Visits: 93
Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại (1761 – 1829) quê quán huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam nay là quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, một công thần đa tài của triều Nguyễn. Về cuộc đời binh nghiệp thì ông đánh Nam dẹp Bắc, từng trấn giữ Lạng Sơn, Định Tường (tỉnh Tiền Giang ngày nay), Vĩnh Thanh (ngày nay là Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần Kiên Giang), bảo hộ Cao Miên (nay là Campuchia)…. Là một nhà ngoại giao tài ba khi nhiều lần đi sứ sang Xiêm, sang Lào để thuyết phục các vua giúp Nguyễn Ánh trong lúc nguy nan. Ngoài tài thao lược và ngoại giao thì ông còn có tầm nhìn chiến lược và những công trình vĩ đại mà ông đã để lại cho hậu thế vừa có giá trị về mặt kinh tế vừa có giá trị về mặt chính trị, quân sự đặc biệt là con kênh Vĩnh Tế (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) đóng vai trò như một công trình đánh dấu, xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ.
Một con người đa tài, có tầm nhìn lớn lao như thế sẽ không được phát huy hết nếu như không có cái tâm. Cái tâm của ông không chỉ là phụng sự triều đình, cống hiến cho đất nước mà còn hết lòng yêu thương dân, lấy sự an vui, ấm no của dân làm tiêu chí hàng đầu. Thoại Ngọc Hầu luôn mong muốn nhân dân của mình được bình an, luôn sẳn sàng bảo bọc người dân trong những lúc khó khăn. Việc làm của ông đã được sử sách lưu truyền như:
– Trong Đại Nam thực lục có đoạn chép rằng:“Thống chế Nguyễn Văn Thoại, trước mộ dân đến ở vùng đất biên thùy, đặt ra 20 xã thôn, vay của công 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo cho dân, đã hoãn cho nhiều năm, dân vẫn không trả được. Đến nay, Thoại đem của nhà trả bù cho dân”.
– Không những thế, gặp những năm dịch bệnh xảy ra, ông rất quan tâm, gấp rút thăm hỏi, động viên, an ủi,cho thuốc men, nếu dân thường chết thì cấp cho 3 quan tiền, quân lính chết thì cấp tiền tuất và một tấm vải. Mỗi ngày đều làm bản tâu trình lên vua về tình hình dịch bệnh.
Những việc làm, nghĩa cử cao cả trên cho thấy ông thương dân như con không chỉ riêng vùng đất ông cai quản mà kể cả quê nhà của mình ông cũng rất quan tâm . Theo sách “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” của Nguyễn Văn Hầu thì năm 1826, nhân dân sáu xã (nay là quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) ở quê nhà ông đã cử hai người vào Châu Đốc nhờ ông can thiệp về việc chợ Bà Thân được lập trước đây, không bao lâu bị chánh xã Hải Châu quấy rối làm cho chợ phải tan. Nay nhân dân các xã nhờ Thoại Ngọc Hầu can thiệp , ông đã nhận lời và gởi tờ trát cho bảy xã cử người cùng ông đến chợ xem xét và bàn bạc cho ổn thỏa. Nhờ đó mà chợ Bà Thân vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Từ đó cho thấy sựuy tín, tin tưởng của nhân dân đối với ông rất lớn.
Với tầm nhìn xa trông rộng, một nhà kinh tế tài ba, ông đã thực hiện chính sách khẩn hoang, lập ấp, mộ dân như trong thời kỳ ông trấn nhậm Vĩnh Thanh thì vùng đất này ngày càng trù phú, đông đúc. Theo thống kê, trước khi Thoại Ngọc Hầu về trấn nhậm Vĩnh Thanh thì trấn này có 21.054 nhân đinh, từ từ tăng lên được 37.000 nhân đinh, điền thổ khai thác được hơn 9.900 sở, đứng đầu toàn Nam Kỳ về số điền thổ cũng như số đinh nhân tăng thêm.
Song song với việc di dân, lập ấp, mở làng thì ông còn quan tâm đến việc mở mang các con đường mà tiêu biểu là ba con đường được nhắc đến trong bia Vĩnh Tế Sơn với đầy đủ niềm tin vào sự lợi ích mà nó mang lại. Và một con đường vẫn còn giá trị đến ngày nay là con đường nối Núi Sam và Châu Đốc. Vào thời bấy giờ việc đi lại, mua bán từ Núi Sam đến Châu Đốc rất bất tiện nhất là vào mùa nước lũ. Thấy được những khó khăn, trở ngại của người dân, ông đã tiến hành cho đắp con lộ bắt đầu từ chân Núi Sam – Châu Đốc trên đó có 4 cây cầu gỗ vững chắc đãm bảo cho người và ngựa qua lại thuận tiện, dễ dàng.
Tân lộ Kiều Lương. Ảnh: ST
Những người lưu dân đi khai phá những vùng đất mới luôn chịu nhiều khó khăn mất mát để giành lấy sự sống với thiên nhiên. Vì thế, họ cần một nơi có thể nương tựa về mặt tinh thần để có thể tiếp tục đứng lên và tiếp bước. Thoại Ngọc Hầu với tinh thần thương dân không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất mà còn quan tâm nâng cao đến đời sống tinh thần của dân chúng nên ông cùng với phu nhân Châu Thị Tế đã cho xây chùa trên Núi Sập và cho đúc một tượng cốt Hộ Pháp bằng đồng cao ước hơn 6 tấc để hiến vào chùa. Ngoài ra, ông còn cho xây đình thờ thần Nguyễn Hữu Cảnh tại Châu Đốc. Ở Quảng Nam quê ông, ông cũng đóng góp tiền bạc, chuyên chở ngói gạch, gỗ từ Đồng Nai ra để xây cất đình, chùa, miếu, đền…
Ngoài việc lo điều kiện cho dân có cuộc sống ấm no, ông còn tuyển mộ đào kép hát người Quảng Nam, lập ra gánh hát bội, tổ chức hát hò để mua vui cho nhân dân vơi nổi nhọc nhằn trong những ngày tháng lam lũ làm ăn.
Với những tài năng, thành tựu cũng như đức độ của Thoại Ngọc Hầu, ông rất xứng đáng để được nhân dân tôn kính là một công thần. Là thế hệ hậu bối, chúng ta phải tích cực trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị vô giá mà cha ông ta đã đổ bao nhiêu máu và mồ hôi để có được những thành tựu to lớn này.Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, chúng ta thế hệ trẻ ngày nay phải luôn luôn tưởng nhớ, tri ân đến ông bằng cách nêu cao tinh thần yêu nước, yêu quê hương, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp. Đồng thời nâng cấp lễ giỗ ông Thoại Ngọc Hầu thành lễ hội phi vật thể cấp quốc gia mới xứng đáng với công lao, tâm huyết mà ông đã dành trọn cho nước cho dân.
Minh Trang