ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

KIẾN TRÚC TAM QUAN – NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA

Visits: 48

KIẾN TRÚC TAM QUAN – NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA

Khi đến chùa chiền, điện thờ mọi người dễ bắt gặp cổng Tam Quan. Thế nhưng ngoài vai trò là cửa ngỏ đây còn là hình ảnh gắn liền với kiến trúc, văn hóa, lịch sử Việt Nam.Vậy cùng tìm hiểu cổng Tam Quan mang những nét văn hóa và ý nghĩa như thế nào?

Cổng Tam Quan là gì ?

      “Tam quan” trong đó “tam” có nghĩa là ba; “quan” có nghĩa là cửa. Trong kiến trúc, tam quan thường được nhắc đến với cụm từ “cổng Tam Quan”. Cổng Tam Quan là một chiếc cổng to, với ba lối đi, được thiết kế dựa trên kiến trúc cổ. Chiếc cổng này đã gắn liền với nét văn hóa tâm linh, Phật giáo của người Việt từ xa xưa đến nay. Chiếc cổng được xây dựng với kích thước rất lớn. Bao gồm 2 lối đi nhỏ ở hai bên, cửa chính giữa có kích cỡ to nhất. Phía trên cổng được lợp mái, cổng chính diện ghi to tên của chùa hay đền thờ đó. Hai bên lối đi thường được chạm khắc bởi những câu đối.

      Thông thường có hai loại kiến trúc cổng Tam Quan với những đặc điểm riêng biệt, đó là: loại cổng có gác và loại cổng kiểu tứ trụ.

      Loại cổng có gác: Đặc điểm của loại cổng này là phía trên có gác, thường thiết kế cho các cổng tương đối nhỏ, kiến trúc có thể có một, hai hoặc ba tầng. Gác cổng được sử dụng để treo các loại chuông, khánh hoặc trống cỡ lớn nhằm phục vụ các nghi lễ trong đền, chùa.

      Loại cổng kiểu tứ trụ: Khác với loại có gác, cổng kiểu tứ trụ gồm có bốn cây cột, trong đó hai cây ở giữa cao hơn hai cây bên cạnh. Những cây cột này chia không gian thành ba lối đi, phía trên nối liền các trụ với nhau bằng các thanh xà chạm trổ tinh xảo dùng làm trán cổng. Một số công trình trán cổng được thiết kế thêm phần mái cong tạo nên nét đẹp riêng biệt, mang sắc thái của một dạng kiến trúc tâm linh truyền thống.

Cổng tam quan Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam

Nguồn gốc và ý nghĩa cổng Tam Quan

      Cổng Tam Quan đại biểu cho nghệ thuật kiến trúc cổ truyền và mang sắc thái lịch sử của dân tộc Vệt Nam, nó hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, nhưng ý nghĩa phổ quát nhất thường được nhìn nhận đến trong Phật học và trong chế độ quân chủ phong kiến xưa kia.

Cổng Tam quan chùa Huỳnh Đạo (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc)

Ý nghĩa trong Phật học:

      Trong kinh điển Phật Giáo, bất cứ một con số nào đều có ý nghĩa riêng của nó, thường gọi là pháp số. Đối với nhà chùa, ba lối đi của cổng Tam Quan biểu tượng cho Tam Giải Thoát Môn để vào cõi Niết bàn, đó là: Cửa Không, Cửa Vô Tướng, và Cửa Vô Nguyện, gọi chung là Tam môn. Do đó, hầu hết các cổng chùa đều xây 3 cửa, một số chùa cho dù chỉ xây một cửa người ta vẫn gọi là Cổng Tam Quan.

– Cửa Không (Không môn, Không Giải Thoát môn): Phải quan sát tất cả các pháp đều không có tự tính, do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra, nếu thông đạt được như thế thì tự tại đối với các pháp.

– Cửa Vô tướng (Vô Tướng Môn, Vô Tưởng Môn): Đã hiểu biết được tất cả các pháp đều không, liên quan đến các tướng như nam nữ, nhất nhị… thì chắc chắn là không có thật tướng như vậy. Nếu thông đạt được các pháp đều vô tướng như thế thì xa lìa tướng sai biệt và được tự tại.

– Cửa Vô Nguyện (Vô Nguyện Môn, Vô Tác Môn, Vô Dục Môn): Cửa Không Mong Cầu, khi biết rõ tất cả các pháp đều vô tướng thì không mong cầu điều gì trong 3 cõi nữa, nếu không mong cầu thì không tạo tác các nghiệp sinh tử, nếu không có nghiệp sinh tử thì không có khổ quả báo và được tự tại.

      Nói một cách khác, cổng Tam Quan là ý niệm về Tam Giải Thoát Môn bao gồm các cửa Vô Tác, Vô Tướng và Vô Không để có thể bước vào cõi Niết Bàn. Chỉ khi con người hiểu được ý nghĩa của ba cửa này thì mới có thể thoát khỏi được những sân si, oán hận, đau khổ để tìm được sự bình yên, an lạc trong tâm hồn.

      Cũng có một thuyết khác lý giải rằng, kiến trúc cổng Tam Quan của nhà chùa là tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo bao gồm “Hữu quan”, “Không quan” và “Trung quan”. Trong đó, “Hữu quan” là thể hiện cái sắc (giả), “Không quan” là tượng trưng cho cái không (vô thường) và “Trung quan” là thể hiện sự trung dung của cả hai yếu tố sắc và không.

      Ngoài ra, còn có một quan niệm khác nữa cho rằng cổng Tam Quan mang ý nghĩa Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.

      Dựa vào thuật phong thủy, người ta chia ra, gọi cửa nhỏ bên trái là Thanh Long, cửa nhỏ bên phải là Bạch Hổ (theo hướng từ trong nhìn ra). Khách hành hương thường vào và ra chùa qua cửa bên tay phải mình, tức đi theo hướng “Nhập Thanh Long xuất Bạch Hổ”, mang hàm ý rước phước đức của chùa về nhà.

Cổng Tam quan Chùa Kim Tiên ( Tịnh Biên – An Giang)

Ý nghĩa thời quân chủ:

      Xưa kia triều đình qui định cổng kinh thành được thiết kế 3 lối đi, theo đó lối giữa dành cho vua, bên tả dành cho văn quan, bên hữu dành cho võ quan. Về sau các cổng làng cũng đều được xây dựng theo kiến trúc Tam Quan với mục đích phòng khi đón vua về ngự. Rồi sau đền, miếu, lăng tẩm cũng theo đó mà làm. Vì vậy ngày nay ta thấy các công trình cổ như cổng làng, đình đền, lăng tẩm, miếu mạo… đều có cổng được xây theo kiến trúc Tam Quan. Hình thái Tam Quan còn được mở rộng ra thành Ngũ Quan (năm cửa). Công trình tiêu biểu cho hình thái kiến trúc này là cửa Ngọ Môn ở Cố đô Huế.

Cổng Tam Quan đối với văn hóa tín ngưỡng địa phương

      Như vậy bằng yếu tố mượn hình diễn nghĩa kiến trúc tam quan không chỉ là lối ngỏ vào các ngôi chùa hay di tích lịch sử, mà còn là biểu tượng văn hóa sâu sắc nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc. Những họa tiết chạm khắc tinh xảo và những dòng lưu bút xưa gợi mở câu chuyện về quá khứ và những truyền thuyết, điển tích vẫn còn vang vọng.

      An Giang có nhiều cổng tam quan gắn liền với các địa danh khác nhau. Mỗi cổng Tam Quan đều mang một nét riêng về thiết kế và ý nghĩa. Tiêu biểu như kiến trúc tam quan tiền hậu tại Miếu bà Chúa xứ Núi Sam. kiến trúc tam quan tại chùa Huỳnh Đạo, chùa Kim Tiên…  Mong rằng thông qua bài viết giúp quý du khách có những chiêm nghiệm giá trị khi đến tham quan vùng đất giàu giá trị văn hóa tín ngưỡng An giang.

Cổng tam quan Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam (cổng sau đường Châu Thị Tế)

Bài : Thế Ngữ

Nguồn : Tổng hợp

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.