ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Visits: 562

     Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm trên một khu đất rộng dưới chân núi Sam. Toàn lăng uy nghi trên thềm cao, lưng tựa vào vách núi, mặt nhìn ra con đường vòng chân núi. Thềm cao 9 bậc, lót đá ong, một loại đá lấy từ Biên Hòa và ngày xưa phải vận chuyển đến đây bằng ghe. Nơi neo đậu ghe lên đá nay vẫn còn địa danh Nhà Neo và bãi chứa đá để xây dựng gọi là Bến Vựa.

     Thời đó chưa có xi-măng nên lăng được xây bằng hồ ô dước. Bao quanh nội lăng là bức tường dầy cả mét, cao hơn đầu người, nay đã nhuốm màu rêu phong. Mặt trước lăng có hai cửa lớn theo lối kiến trúc của lăng tẫm xưa, hai bên cửa có đôi liễn đối. Hậu lăng là bậc thang đi lên đền thờ được xây trên nền cao, nổi bật trên vách núi. Trong chánh điện, chính giữa đặt bài vị của Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân. Hai bên và phía trước có nhiều nghi thờ với các bộ lư đồng cổ. Ngay cửa chính đền thờ là tượng tròn chân dung ông và bảng tiểu sử.

Lăng Thoại Ngọc Hầu – Ảnh: BQLNS

     Mặt tiền lăng là khoảng sân rộng, giữa đặt ngôi long đình trong có bia Thoại Sơn. Trước long đình là khẩu súng thần công, bảng xếp hạng di tích và hai con nai bằng xi-măng, tạo nên vẻ đẹp tôn nghiêm cho lăng.

     Trong lăng, chính giữa là mộ Thoại Ngọc Hầu. Ông tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm Tân Tỵ 1761 tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Gia đình ông chạy loạn vào Nam và định cư ở cù lao Dài bên sông Cổ Chiên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Dưới triều Nguyễn, ông làm Trấn thủ Vĩnh Thanh và có công lớn trong việc giúp dân khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường phát triển sản xuất, mở rộng giao thương, bảo vệ biên cương. Ông đã chỉ huy thực hiện một số công trình để đời như đắp lộ núi Sam – Châu Đốc, đào kinh Vĩnh Tế và Thoại Hà.

     Bên phải mộ ông là mộ bà vợ chính Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế. mất năm Bính Tuất 1826. Bên trái là mộ bà vợ thứ Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt, mất năm Tân Tỵ 1821. Trước mỗi đầu mộ đều có bức bình phong, chân mộ là bi ký. Bức tường trước mộ đặt bia đá Vĩnh Tế Sơn. Thoại Ngọc Hầu mất năm Kỷ Sửu 1829, thọ 68 tuổi. Do ông mất sau hai bà vợ nên khu lăng mộ nầy có thể được xây theo ý ông.

     Trong nội lăng còn có 14 ngôi mộ và ngoại vi lăng có khoảng 50 ngôi mộ được xây với nhiều hình thức khác nhau như voi phục, cái nón, trái đào… Đây là những ngôi mộ vô danh của thân tộc, cận thần và nghĩa trủng, là những người đã bỏ mình trong công cuộc đào kinh Vĩnh Tế. Tương truyền hai ngôi mộ có hình cái nón và trái đào trong nội vi lăng là anh kép chánh và cô đào chánh của đoàn hát bội mà ông yêu thích khi còn sống.

Nguồn:Châu Đốc di tích thắng cảnh và đặc sản.

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.