Visits: 498
Theo đường Tân Lộ Kiều Lương vào núi Sam đến ngã ba Đầu Bờ ta thấy một ngôi chùa sừng sững hiện ra bên chân núi, đó là Tây An tự.
Ngôi chùa nguy nga với ba ngôi lầu nóc tròn hình củ hành theo kiểu kiến trúc Ấn Hồi, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa, đẹp mắt, nổi bật trên vách núi xanh thẳm. Chánh điện thờ Phật, hai bên là lầu chuông và lầu trống. Chùa nằm trên thềm cao, lưng quay vào vách núi, mặt nhìn xuống đường. Bước lên bậc thềm ta gặp ngay tượng người mẹ bồng con miêu tả tích xưa Quan Âm Thị Kính. Trước sân chùa có hai con voi bằng xi-măng lớn như voi thật, con trắng sáu ngà, con đen hai ngà.
Bước tiếp lên bậc thềm cao vào chùa, các tượng Phật, Bồ tát, thánh tiên… được sơn thếp mỹ thuật, mỗi người mỗi vẻ, thờ kính trang nghiêm. Không khí yên tĩnh, khói hương nghi ngút.
Ở chánh điện thờ Phật theo dòng thiền Lâm Tế, ngoài tượng Phật Thích Ca rất lớn ở giữa, còn có các tượng: Quan Âm, Tam Thế Phật, Đại Thế Chí… và các vị Bồ tát. Hai bên và phía trước là các vị La hán, Bát bộ kim cang, Tam hoàng ngũ đế…
Phía sau thờ các vị sư trụ trì chùa Tây An, tượng tạc bằng gỗ uy nghiêm, hiền triết. Đặc biệt, tượng Hòa thượng Thích Bửu Thọ, người có công lớn trong việc trùng tu chùa, được tạc sinh động như người thật, tay cầm gậy, ngồi bên bàn viết, cốt cách siêu phàm. Riêng Pháp Tạng thiền sư, người khai sáng giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, được dân trong vùng tôn xưng là Phật Thầy Tây An, không để lại hình ảnh. Ông được đưa đến chùa Tây An trong thời kỳ Thiền sư Hải Tịnh Nguyễn Văn Giác trụ trì (đời thứ nhất) và được ngài Hải Tịnh thu nhận. Mặc dù mất sớm, nhưng đức Phật thầy Tây An đã làm được rất nhiều việc như chu du vùng Bảy Núi thành lập nhiều trại ruộng để khẩn hoang sản xuấtvà trở thành căn cứ chống quân Pháp xâm lược sau nầy.
Bên hông chùa là dãy bảo tháp của các vị sư trụ trì được xây dựng tôn nghiêm cổ kính. Theo tài liệu truyền lại, các vị sư trụ trì chùa Tây An theo thứ tự là: Hải Tịnh (Nguyễn Văn Giác), Hoàng Ân (Nguyễn Nhứt Thừa), Huệ Quang (Nguyễn Trang Nghiêm), Thuần Hậu (Huỳnh Văn Đắc), Thiện Pháp (Ngô Văn Hòa), Thích Bửu Thọ (Nguyễn Thế Mật), Huệ Châu (Hồ Thạch Hùng), Định Long (Phạm Văn Trực), Huệ Kinh (Trần Văn Cung). Các vị trụ trì đời sau cũng noi theo truyền thống yêu nước của Phật thầy Tây An nuôi chứa, giúp đỡ nhiều cán bộ Cách mạng. Hòa thượng Thích Bửu Thọ được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất.
Chùa Tây An do Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn (tên thật là Doãn Ôn) xây dựng năm 1847. Qua nhiều đợt trùng tu, chùa trở thành một kiến trúc độc đáo của khu vực núi Sam, đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Nguồn:Châu Đốc di tích thắng cảnh và đặc sản.