ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

Chùa Bồng Lai

Visits: 24

   Chùa Bồng Lai nằm bên bờ kinh Vĩnh Tế, trước 1975 thuộc xã Vĩnh Nguơn, nay thuộc xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, chỉ cách biên giới Campuchia khoảng 1 cây số. Chùa do ông Phạm Thái Chung xây dựng năm 1876. Phạm Thái Chung sinh năm Nhâm Thìn 1832 tại làng Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh Châu Đốc cũ, nay là tỉnh An Giang. Ông là tu sĩ, đại đệ tử của Phật Thầy Tây An, có biệt hiệu La Hồng Tiên Sinh, dân gian gọi là Đạo Lập.

Chùa Bồng Lai – Ảnh: BQLNS

   Khi Trần Văn Thành tức Đạo Lành, cũng là đại đệ tử của Phật Thầy Tây An, khởi nghĩa ở Bảy Thưa, Đạo Lập vào tham gia chống Pháp. Đến năm 1873, cuộc khởi nghĩa thất bại, Đạo Lập bị Pháp truy nã nên chạy sang Campuchia lánh nạn, ông lên núi Tà Lơn tầm sư học đạo và ẩn dật. Khoảng ba năm sau thấy tình hình tạm yên, ông trở về vùng biên thùy Châu Đốc đến tạm trú ở Bà Bài, nơi còn hoang vắng ít người lui tới ở phía trên bờ kinh Vĩnh Tế. Tương truyền, nơi đây có bà cụ sống lâu đời nhất tên Bài nên người ta gọi chỗ này là Bà Bài, lâu ngày thành địa danh. La Hồng Tiên Sinh có biệt tài chữa bệnh cứu người, tiếng lành đồn xa, nhiều người kéo đến nhờ ông trị bệnh. Noi theo đức Phật Thầy Tây An, ông khuyên người đời ăn hiền ở lành, báo đáp tứ ân. Ông cùng những tín hữu dựng lên ngôi chùa bằng cây lá bên bờ kinh lấy tên là Bồng Lai tự vào ngày rằm tháng giêng năm Bính Tý 1876. Những năm chiến tranh ác liệt, chùa bị hư hỏng nặng, Phật tử tìm cách tạm dời về núi Sam, cất mới trên thềm đá rộng khoảng 150 mét vuông, bên sườn núi phía sau miếu Khổng Tử. Chùa xây xong năm 1969 do ni cô Huệ Châu, tên tục là Sương Thị Liến, sinh năm 1923 trụ trì. Đến ngày hòa bình, sư trụ trì và Phật tử quay về chùa Bồng Lai cũ sửa sang để tiếp tục hoằng pháp. Sau nhiều lần trùng tu, chùa ngày càng khang trang trên miếng đất rộng, soi bóng lung linh xuống dòng kinh Vĩnh Tế. Trong chánh điện, giữa thờ Phật Thích Ca, đối diện thờ Long thần Hộ pháp, bên trái thờ Quan Đế, bên phải thờ Quan Âm. Phía sau là các nghi thờ Phật thầy Tây An, La Hồng Tiên Sinh và Cử Đa. Bên hông chùa bên trái là nơi trưng bày trụ cột phướn ngày xưa và ông thẻ, tức cây thẻ Tây phương bạch đế do Phật thầy Tây An cho đệ tử cắm ở đây. Cả hai cây đều mục bể theo thời gian, nay được bảo quản rất cẩn thận. Trước đây muốn viếng chùa phải đi đò qua kinh Vĩnh Tế, năm 2008 một gia đình Phật tử đã tài trợ xây cầu treo qua sông rất thuận tiện.

   Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Bà Bài đã góp công góp của cho Cách mạng, là nơi nuôi chứa, hội họp cán bộ và là đường dây giúp bộ đội qua kinh, qua biên giới. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2007.

   Có nhiều huyền thoại về Đạo Lập được truyền tụng trong dân gian, người ta cho rằng ông có phép thuật và khinh công, khi qua kinh Vĩnh Tế chỉ thấy chiếc nón lá xuống nước là nhún mình đạp lên bay qua. Hoặc bị giặc Pháp bắt giam vào ngục nhưng người ta vẫn thấy ông ở bên ngoài. Ông có thể hóa dơi hóa rắn mối để hành sự… Những câu chuyện nhằm tôn vinh và góp phần cho giặc khiếp sợ khi đối mặt với ông. Đạo Lập Phạm Thái Chung viên tịch tại chùa Bà Bài ngày 30 tháng 9 năm Tân Mão 1891 và an táng tại cánh đồng Vĩnh Nguơn. Ông dặn dò đệ tử chôn rồi khỏa bằng mặt đất đừng để lại dấu vết, nên sau nầy mộ ông bị xiêu lạc.

Nguồn:Châu Đốc di tích thắng cảnh và đặc sản.

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.