ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

Chợ châu đốc và lịch sử hình thành

Visits: 1012

          Châu Đốc được biết đến với nhiều điều tuyệt vời khác như cảnh quan tươi đẹp hữu tình, kinh tế và du lịch phát triển, văn hóa đa dạng. Khi mà nền du lịch ngày một phát triển thì du khách ngày càng hướng tới những giá trị thiên nhiên gần gũi và mộc mạc giản dị. Có lẽ chính bởi vậy mà thời gian gần đây, du lịch Miền Tây ngày càng thu hút được sự quan tâm lớn của du khách cả trong và ngoài nước. Và một trong những điạ điểm nổi tiếng nằm trong lịch trình du lịch miền Tây đó chính là Chợ Châu Đốc ở thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang.

          Chợ Châu Đốc có nhiều thay đổi qua tiến trình lịch sử. Ngay từ đầu Chúa Nguyễn đặt Đạo biên phòng tại Châu Đốc. Đây chưa phải là tổ chức hành chính quy cũ mà chỉ đóng vai trò đồn trú phòng án ngữ sông Hậu theo chế độ quân quản. Đến năm 1788, sau khi chiếm lại Gia Định từ tay nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh sắp xếp hành chính Nam Bộ, Châu Đốc thuộc trấn Vĩnh Định. Năm 1802, đổi thành trấn Vĩnh Thanh

          Giai đoạn đầu thời Nguyễn dân cư vùng Châu Đốc còn thưa thớt tụ tập trao đổi hàng hóa dọc theo con sông kênh rạch  chứ chưa có chợ. Đến năm 1819 vua ban chiếu cho địa phương chiêu mộ dân lập chợ buôn bán. Lúc này Diệp Hội là Cai phủ có trách nhiệm khai thác và phát triển thương mại xứ Châu Đốc đã lập xưởng sản xuất đồ gốm và ông đứng ra lập chợ Châu Đốc, cử người trông coi chợ gọi là Cai thị.

          Năm 1914 Pháp cho xây dựng nhà chợ bằng khung sắt thép và lợp ngói đỏ. Từ đó nhiều dãy phố lầu khang trang được hình thành quanh chợ, tạo nên cảnh mua bán sinh động hơn. Năm 1998 chính quyền Châu Đốc cho trùng tu, nâng cao nóc chợp thoáng mát hơn, nhưng vẫn giữ nguyên nét độc đáo của kiến trúc cũ.

          Lúc này Châu Đốc có điều kiện phát triển. Thành Châu Đốc được xây lớn và kiên cố, chợ Châu Đốc mua bán sầm uất hơn. Các vùng lân cận người định cư ngày một đông, ruộng vườn xanh rơn cây trái. Khách thương hồ đông đảo, hàng hóa tiêu thụ sang nước bạn.

          Sau khi quân Pháp thôn tính trọn Nam kỳ, chia Nam kỳ thành 24 Sở tham biện. Sở tham biện Châu Đốc trông coi huyện Đông Xuyên và Hà Dương. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899, Thống đốc Nam kỳ bãi bỏ Sở tham biện, thành lập Tỉnh. Châu Đốc là một trong 21 tỉnh Nam kỳ bấy giờ, tỉnh lỵ đặt tại chợ Châu Đốc.

          Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm hợp nhất Long Xuyên – Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Năm 1964, chính quyền Sài Gòn tách An Giang thành 2 tỉnh: Châu Đốc và An Giang, Châu Đốc là quận lỵ quận Châu Phú. Năm 1965, Châu Đốc được nâng lên cấp thị xã của An Giang. Ngày 19/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết số 86/NQ-CP thành lập thành phố Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang.

          Dự án Đầu tư và kinh doanh chợ Châu Đốc nằm ở vị trí thuận lợi, gần trục đường chính thành phố Châu Đốc là nơi giao thương quan trọng của phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc.

          – Phía Bắc: giáp đường Trần Hưng Đạo

          – Phía Nam: giáp đường Quang Trung

          – Phía Tây: giáp đường Bạch Đằng

          – Phía Đông: giáp đường Chi Lăng

          Dự án Đầu tư, xây dựng và kinh doanh chợ Châu Đốc khi hoàn thành xây dựng đi vào sử dụng sẽ hình thành khoảng 2.084 điểm kinh doanh. Trong đó bao gồm:

          + Sạp hàng truyền thống tầng 4: Bao gồm 423 sạp. Các sạp này có công năng sử dụng kinh doanh các ngành hàng bách hóa, dịch vụ tổng hợp và kho chứa hàng hóa.

          + Sạp hàng truyền thống tầng 3: Bao gồm 547 sạp. Các sạp này có công năng sử dụng kinh doanh các ngành hàng bách hóa, dịch vụ tổng hợp và kho chứa hàng hóa.

          + Sạp hàng truyền thống tầng 2: Bao gồm 547 sạp. Các sạp này có công năng sử dụng kinh doanh các ngành hàng bách hóa, dịch vụ tổng hợp và kho chứa hàng hóa

          + Sạp hàng truyền thống tầng 1: Bao gồm 567 sạp hàng là nơi giao thương buôn bán của các tiểu thương những mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày.

Chợ Châu Đốc là thủ phủ mắm cùng thủy hải sản khô có quy mô lớn nhất miền Tây Nam Bộ.

          Phía trong khu chợ được chia ra thành nhiều khu riêng biệt và sạch sẽ, mỗi khu bày bán những sản phẩm khác nhau, nhưng tất cả đều là đặc sản an toàn và chất lượng. Trong đó có thể kể đến các khu như khu thực phẩm chế biến ăn liền, chợ rau củ quả trái cây, chợ mắm, chợ quần áo,…

          Đầu tiên là khu dành riêng cho các loại mắm, mỗi gian hàng bày bán hàng chục loại mắm khác nhau, mỗi loại được đựng trong khố riêng và có bảng giá đi kèm để thực khách dễ dàng lựa chọn như mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, mắm thái, mắm rô,…Tất cả tạo nên một hương vị đặc trưng và màu sắc rực rỡ cho toàn khu chợ. Tới chợ Châu Đốc, không thể bỏ qua các loại mắm rất đa dạng: mắm cá lóc, cá linh, cá sọc, ba khía,…

          Mỗi loại mắm bày bán ở chợ Châu Đốc được đặt theo tên cá nguyên liệu làm để cho dễ nhớ. Nhiều gian hàng mắm đã trở lên nổi tiếng ở chợ Châu Đốc từ nhiều năm qua được người dân và du khách biết đến như mắm bà giáo Khỏe, cô Tư Ấu, mắm Hai Xuyến…

           Một trong những sản phẩm mà người dân ưa thích nhất là mắm Thái. Cá lóc được lọc bỏ xương, da sau đó xé nhỏ trộn với với đu đủ xắt sợi và thịt ba rọi ram, thêm thính gạo, đường, ớt. Đường dùng làm mắm là đường thốt nốt, một đặc sản xứ An Giang. Mắm thái ăn kèm với rau sống, chuối chát, thịt ba rọi luộc thì ngon khỏi chê.

          Dù ngày mưa hay ngày nắng, chợ Châu Đốc vẫn không ngớt người mua, không chỉ nổi tiếng với các loại mắm, khu chợ còn tập trung hàng trăm các món ăn vặt vô cùng hấp dẫn như các loại bánh bông lan, lạp xưởng, khô, bánh bò, bánh da lợn, bánh ích, bún mắm,…

          Tất cả đều được chế biến từ các thực phẩm tươi ngon của địa phương nên có hương vị rất thơm ngon và đảm bảo vệ sinh.

          Ngoài ra, Lạp xưởng – một trong những đặc sản của An Giang. Ngoài lạp xưởng heo, vùng này còn có lạp xưởng bò (còn gọi là tung lò mò) rất có tiếng. Đây cũng là một thứ quà rất nên mua về làm quà khi đến Châu Đốc.

          Sau khi dạo một vòng quanh chợ mắm, bạn nhớ đến khu ẩm thực thưởng thức các món ăn đặc sản An Giang. Tại chợ bạn có thể tìm thấy hơn 100 món ăn khác nhau. Từ các món ăn chơi, ăn vặt đến các món ăn no hay ăn tráng miệng đều có.

          Đặc biệt nơi đây còn bán các loại trái cây, rau quả đặc sản của vùng sông nước An Giang như: trái mây gai, cà na, nước thốt nốt, bánh bò thốt nốt….

          – Ăn cà na ngon nhất là lúc mưa dầm hay trời se lạnh. Phải ăn bằng cả mắt nhìn, mũi ngửi, miệng cắn, tai nghe và cảm nhận đủ hương vị cuộc sống chua, cay, mặn, ngọt, chát, thơm tan đầu lưỡi rồi lan dần khắp cơ thể.

          – Mây gai cũng là một loại quả được bán nhiều trong khu chợ Châu Đốc. Quả mây gai có màu cam, khi chín ngả màu hơi đen. Loại quả này có xuất xứ từ Thái Lan và được nhập về An Giang qua biên giới Campuchia.

          – Xen kẽ với những gian hàng mắm và đồ ăn, bạn có thể bắt gặp hơn 25 món rau, củ, quả muối chua, ngâm giòn. Nổi bật trong số đó có thể kể đến những món mà chị em phụ nữ rất ưa thích như: cóc ngâm, me ngâm, xoài ngâm, quả na ngâm, … hay các món muối chua như: củ sen, củ kiệu, cải trắng, cải đó, đu đủ, kim chi. Đặc biệt là hầu hết các món muối chua, ngâm giòn đều được làm rất khéo, dễ ăn, có mùi thơm đặc trưng, sử dụng nhiều ngày.

          – Cùng với các món muối chua muối giòn, các món mứt làm từ trái cây cũng là thứ có rất nhiều tại đây. Những quầy mứt không chỉ tạo được sức hút từ việc “đẹp mắt” mà còn rất ngon miệng với đủ loại mức khác nhau. Cho nên bạn đừng quên ghé qua các quầy mứt này.

          – Đặc biệt, sau khi thưởng thức, đừng quên kêu cho mình một ly thốt nốt mát lạnh. . Nước thốt nốt ngọt và mát, dù chỉ uống một ngụm cũng đủ khiến du khách khó mà quên được mùi vị. Nhiều sạp hàng trong chợ Châu Đốc bán trái thốt tươi, có nhiều quầy đem thốt nốt chế biến thành nhiều món ăn chơi như thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt,..

          Ngoài các đặc sản nổi tiếng, chợ Châu Đốc còn bày bán nhiều mặt hàng khác phục vụ khách du lịch như quần áo, giày dép, mũ nón, ví bóp, dây nịt, ba lô, túi xách, khẩu trang, v.v… Du khách có thể tìm thấy nhiều mặt hàng khác nếu có thời gian dạo quanh một vòng chợ Châu Đốc.

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.