ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

MIẾU VỆ THỦY

Visits: 93

      Trong thời kỳ chúa Nguyễn cai quản đất Nam bộ, Châu Đốc vẫn còn nhiều nơi hoang vu và thường bị bọn cướp, giặc Chân Lạp và quân Xiêm tấn công. Để bảo vệ bờ cõi và cuộc sống an bình của người dân, nhiều thanh niên vùng biên trấn đã gia nhập quân đội, trong đó có hai người ở làng Mỹ Hội Đông, Chợ Mới, An Giang mà sau nầy trở thành Chánh, Phó Vệ thủy là Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh.

      Hai ông vốn giỏi võ nghệ và am tường chữ Hán nên cùng có ước vọng đi đầu quân để lập chiến công và bảo vệ dân làng thường bị giặc biên cương khuấy nhiễu. Nhưng do hoàn cảnh, Đỗ Đăng Tào độc thân nên đi trước, Lê Văn Sanh phải thu xếp gia đình, ổn định cuộc sống vợ con rồi theo sau. Quân đội triều Nguyễn tiếp nhận Đỗ Đăng Tào và thấy ông am hiểu vùng sông nước nên phân công về thủy quân. Ngày càng bộc lộ tài năng, đầu năm 1824, Đỗ Đăng Tào được thăng chức Chánh đội trưởng, chỉ huy một đội thuyền tuần tra trên các sông rạch vùng biên thùy Châu Đốc. Đội thủy quân của Đỗ Đăng Tào hoạt động khá hiệu quả. Bọn thảo khấu, cướp bóc trên sông Hậu và các đoạn kinh rạch hẻo lánh đều phải tránh né quântriều đình, trả lại sự yên ổn cho người dân địa phương, nhất là giới thương hồ, được ngược xuôi mua bán thuận lợi, không còn bị đe dọa bởi bọn thủy tặc.

Vệ Thuỷ Thần Miếu – Ảnh: BQL

       Năm 1842, giặc Chân Lạp xâm lấn biên giới Tây Nam, chiến thuyền của Đỗ Đăng Tào chạm trán với địch trên kinh Vĩnh Tế. Sau ba ngày giao tranh ác liệt, quân Chân Lạp phải bỏ thuyền chạy lên bờ và tìm vùng núi non rừng rậm hiểm trở trú ẩn, nhưng chúng vẫn lén lút khuấy phá cuộc sống của dân lành. Năm 1844, Đỗ Đăng Tào tiến cử Lê Văn Sanh vào đội thủy quân và được Tổng đốc An Hà giao nhiệm vụ Phó đội trưởng cùng hiệp sức với Đỗ Đăng Tào truy kích quân Chân Lạp. Lê Văn Sanh bèn bày kế cho quân lính giả dạng thường dân đi buôn, gồng gánh hàng hóa qua vùng Nhà Bàn, Cây Mít, nơi quân Chân Lạp thường racướp của người qua lại. Không bỏ lỡ cơ hội, giặc Chân Lạp ào ra chặn đường đánh cướp khiến dân thương buồn phải bỏ của chạy lấy người. Cướp được thực phẩm, trong đó có nhiều xối rượu, giặc mừng rỡ xúm lại ăn uống no say sau bao ngày thiếu đói. Quân triều Nguyễn chỉ chờ có dịp nầy tràn lên đánh úp, giặc lớp chết lớp bị bắt không tên nào chạy thoát. Từ đó người dân biên giới mới có cuộc sống bình yên.

      Sau chiến công ấy, Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh được triều đình phong chức Chánh, Phó Vệ thủy binh. Nghe tin giặc Pháp lăm le đánh Nam kỳ, hai ông củng cố chiến thuyền, rèn luyện quân sĩ và cho đào con mương xuyên vùng lau sậy phía nam ngoại vi Châu Đốc. Mương dài hơn một cây số, nối từ sông Hậu chạy vào cánh đồng lâm mênh mông, hiểm trở; làm nơi neo đậu, ngụy trang của đội chiến thuyền. Người ta gọi là mương Vệ Thủy và đến nay vẫn còn địa danh Mương Thủy, thuộc khóm Châu Long 1, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, An Giang.

       Ngày 22 tháng 6 năm 1867 quân Pháp tấn công và chiếm thành Châu Đốc, cuối tháng 11 ngay năm đó hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh huy động chiến thuyền tấn công tàu Pháp trên sông Hậu. Tinh thần chiến đấu của quân sĩ rất cao nhưng vũ khí và tàu chiến của giặc hiện đại hơn hẳn nên đội thuyền của hai ông không thể cầm cự đành phải rút lui về căn cứ là mương Vệ Thủy. Giặc Pháp truy nã, hai ông phải chạy vào Láng Linh ẩn trốn với lực lượng của Trần Văn Thành ở Bảy Thưa và sau đó tiếp tục kháng Pháp.

        Tháng ba năm 1873 cuộc khởi nghĩa Bảy Thừa thất bại, vị chỉ huy là Quản cơ Trần Văn Thành mấttích, hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh lui về quê nhà Mỹ Hội Đông qui ấn chờ thời cơ. Nhưng rồi thời cơ không đến, hai ông lần lượt qua đời trong nỗi buồn vong quốc. Đỗ Đăng Tào mất ngày 20 tháng 6 âm lịch, không rõ năm nào, an táng tại Xẻo Bún, làng Mỹ Hội Đông, Lê Văn Sanh mất ngày mùng 2 tháng 10 âm lịch, cũng không rõ năm, mộ vẫn còn ở Tham Buôn, cũng thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới.

        Với lòng ngưỡng mộ và tôn kính hai ông, dân làng Mỹ Đức (xưa thuộc huyện Châu Phú) lập ngôi miễu bên vệ đường, ngay đầu vàm mương Vệ Thủy để nhang khói tưởng niệm. Ngôi miếu nhỏ, khiêm tốn ẩn trong bờ lau sậy để che mắt giặc Pháp. Ngôi miếu tuy nhỏ nhưng tấm lòng của dân làng đối với hai ông rất lớn. Khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất của hai ông đã để lại dấu ấn không phai, tạo nên truyền thống yêu nước của thanh niên làng Mỹ Đức tiếp nối lên đường chống giặc ngoại xâm và sau nầy trở thành xã anh hùng. Trong đời sống tâm linh, dân làng tin rằng hai ông đã thành thần và luôn hiện hữu tại vùng đất này để phù hộ cho mọi người vượt qua thảm nạn, cũng như sản xuất gặp mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Xung quanh hai ông có nhiều giai thoại nói lên sự linh thiêng và huyền bí của miếu Vệ Thủy.

       Khoảng giữa thế kỉ 20, tình hình an ninh tương đối ổn định, dân làng dời miếu sang bãi đất trống đối diện bên kia đường. Miếu được cất lớn bằng cây lá, cổng chính nhìn ra sông Hậu, lưng quay lên đường làng, cặp bên vàm Mương Thủy. Dân làng cử đại diện chèo ghe ra triều đình Huế tìm lục sắc phong của hai ông mang về phụng thờ rất tôn nghiêm. Năm 1953, hainhân sĩ của làng là Lê Công Hội và Đinh Văn Họt đứng ra vận động, quyên góp tiền trùng tu ngôi miếu, xây tường lợp ngói khang trang trên mảnh đất rộng 4 hec-ta bên bờ sông Hậu và cạnh Mương Thủy.

Bên trong chánh điện – Ảnh : BQL

      Năm 2000, miếu được trùng tu lớn, xây lại chánh điện và hàng rào bao quanh. Năm 2011, xây cổng với kiến trúc mỹ thuật, hoành tráng, nhìn ra sông Hậu mênh mông, lộng gió. Năm 2013 cất mới võ ca. Nền miếu hiện nay rộng 540 mét vuông. Trong miếu, chánh điện thờ linh vị Chánh Vệ thủy Đỗ Đăng Tào ở trên cao, kể dưới là linh vị Phó Vệ thủy Lê Văn Sanh. Hai bên là cặp rồng chầu dưới đôi phụng bay, trướclinh vị là lư đồng và cặp hạc cũng bằng đồng. Dưới nữa, phía sau nghi cúng có lư đồng, bát hương và cặp hạc bằng sành là linh vị Thần hoàng bổn cảnh (đúng ra là Thành hoàng bổn cảnh). Ngang bên phải là nghi thờ Tả ban, bên trái là Hữu ban. Nghi bên vách phải thờ Tiền hiền, vách trái thờ Hậu hiền. Trước chánh điện là lỗ bộ rồi tới ba nghi thờ ngang nhau, tiếp theo cũng là lỗ bộ và ba nghi thờ ngang nhau, nghi giữa có đặt bản sao sắc phong của triều Nguyễn. Phía trước là hai nghi thờ và kế cửa chính đặt ngôi long đình. Các cột tròn trong miếu đều có liễn đối và phía trên là các bức hoành phi, tất cả sơn son thếp vàng sặc sỡ.

      Đệ bảo quản và giữ gìn chu đáo, an toàn, tránh thất lạc, sắc phong của Chánh Vệ thủy Đỗ Đăng Tào để tại nhà ông Nguyễn Văn Thu, của Phó Vệ thủy Lê Văn Sanh để tại nhà ông Lê Công Hội, đều ở gần miếu. Hằng năm, ngoài lễ cầu an cho dân làng diễn ra vào đêm 19 và 20 tháng giêng âm lịch, miếu còn tổ chức lễ giỗ hai ông với nghi thức cổ truyền gồm lễ thỉnh sắc, túc yết, chánh tế, hồi sắc rất trọng thể và tôn nghiêm với hàng ngàn người đến dự. Lễ cúng giỗ Chánh Vệ thủy Đỗ Đăng Tào vào các ngày 19 và 20 tháng 6 âm lịch, Phó Vệ thủy Lê Văn Sanh vào các ngày mùng 1 và 2 tháng 10 âm lịch.

Nguồn:Châu Đốc di tích thắng cảnh và đặc sản.

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.