ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

THOẠI NGỌC HẦU VỚI DẤU ẤN LỊCH SỬ

Visits: 61

Nếu có dịp đến Châu Đốc, các bạn sẽ được nghe dân gian lưu truyền rằng:

                 “Đi ngang qua cảnh núi Sam,

          Thấy lăng ông lớn hai hàng lụy rơi.

                  Ông ngồi vì nước vì đời,

           Hy sinh tài sản không rời nước non”.

Hay:

               “Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ,

          Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an”.

 

Nhắc đến “kênh Vĩnh Tế, ông Bảo Hộ” thì người dân Châu Đốc, An Giang đều biết đến và tự hào về một người con xứ Quảng đã xuôi về miền Nam, để lại nhiều dấu ấn lịch sử, lập nên những công trạng vẻ vang, được người đời ca tụng, đó là Thoại Ngọc Hầu – một công thần triều Nguyễn.

Thoại Ngọc Hầu (1761 – 1829) tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê quán ở huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam nay là quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng, là một danh tướng thời Nguyễn, được chúa Nguyễn phong tước Hầu nên gọi là “Thoại Ngọc Hầu” hay “Bảo hộ Thoại” là chức vụ của ông trong thời kỳ ở Cao Miên.

Ông được sinh ra trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh nên gia đình di cư vào Nam sinh sống ở Cù Lao Dài, bên sông Cổ Chiên nay thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long. Ở nơi đây ông đã gặp và nên duyên cùng bà Châu Thị Tế – vị chánh phu nhân đã hỗ trợ đắc lực cho ông trong công cuộc khẩn hoang và phát triển vùng biên giới Tây Nam.

Năm 16 tuổi, Thoại Ngọc Hầu gia nhập quân đội của nhà Nguyễn và đã lập được nhiều chiến công, được chúa Nguyễn trọng dụng ban nhiều chức tước như: Cai cơ thành Gia Định; Khâm Sai Thượng đạo Bình Tây Tướng Quân; Trấn Thủ Lạng Sơn; Trấn thủ Vĩnh Thanh; Khâm Sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ.

Không chỉ có tài thao lược và ngoại giao, ông còn có tầm nhìn chiến lược và thực hiện những công trình vĩ đại để lại cho hậu thế vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Tên tuổi ông và phu nhân Châu Thị Tế gắn liền với các công trình vĩ đại, trong đó có ba công trình nổi bật nhất tại An Giang là:

Kênh Thoại Hà: Được đào vào năm 1818, dài 30km từ rạch Đông Xuyên (Long Xuyên ngày nay) đến ngọn Giá Khê (Rạch Giá), huy động trên 1.500 nhân công. Ông được vua Gia Long khen ngợi và cho lấy tên ông đặt tên con kênh là Thọai Hà. Và núi Sập gần đó là Thoại Sơn.

Kênh Vĩnh Tế:  Được đào từ năm 1819-1824, dài 90 km nối từ sông Châu Đốc đến sông Giang Thành của Hà Tiên, huy động trên 80.000 nhân công. Sau khi hoàn thành con kênh, vua Minh Mạng đã ban thưởng cho ông và cho phép lấy tên vợ ông đặt cho con kênh là kênh Vĩnh Tế và Núi Sam là Vĩnh Tế Sơn. Con kênh này có ý nghĩa to lớn về kinh tế, giao thông, thủy lợi và còn đóng vai trò như một công trình đánh dấu, xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ.

Lộ Châu Đốc – Núi Sam: Được đắp từ năm 1826- 1827, dài 5 km nối liền Châu Đốc đến Đầu Bờ núi Sam, huy động gần 4.500 nhân công, đặt tên là Tân Lộ Kiều Lương và dựng bia “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương”. Ngày nay, con lộ đã được nâng cấp thành một con đường rộng lớn, xinh đẹp nối từ nội ô thành phố Châu Đốc vào Khu du lịch quốc gia Núi Sam.

Ngoài ra, năm 1823 ông cho lập 5 làng dọc bờ kênh Vĩnh Tế gồm: Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Vĩnh Thông.

Nhân dịp kỷ niệm 195 năm ngày giỗ danh thần Thoại Ngọc Hầu năm 2024, UBND thành phố Châu Đốc sẽ tổ chức sự kiện “lễ hội đường phố Thoại Ngọc Hầu kinh lý Tân Lộ Kiều Lương” bắt đầu từ đình Châu Phú và kết thúc tại Lăng Thoại Ngọc Hầu, dự kiến diễn ra vào ngày 10 -11/7/2024. Sự kiện nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân đã đổ bao nhiêu xương máu để mở mang bờ cõi, tạo nên những di sản vô giá cho hậu thế đồng thời sự kiện này còn góp phần giới thiệu về hình ảnh, vùng đất, con người Châu Đốc đến với du khách gần xa./.

Minh Trang

Ảnh: St

Một số hình ảnh liên quan đến ông Thoại Ngọc Hầu

Trên hình, mộ ông (bên phải) và mộ bà Châu Thị Tế (bên trái)

Đền thờ ông

Bức tượng bán thân ông Thoại Ngọc Hầu tại đền thờ

Kênh Thoại Hà

Kênh Vĩnh Tế

Tân Lộ Kiều Lương trước đây

Tân Lộ Kiều Lương bây giờ

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.