Visits: 14
Trong dân gian, rằm tháng 10 âm lịch hằng năm được biết đến là ngày tết Hạ Nguyên. Đây được xem là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt, thường được tiến hành vào ngày mồng một hoặc mồng mười, cũng có thể là ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm.
Phong tục từ cổ xưa cũng nói rằng, ngày tết cơm mới (tết Hạ Nguyên) nhà nhà đều nấu xôi gạo mới, sắm sửa hương hoa, đèn nến cùng mâm lễ thơm ngon tinh khiết để cúng tổ tiên. Vào ngày này mọi người cũng thường đi viếng chùa cùng gia đình để tạ ơn và cầu phúc.
Về nguồn gốc tết Hạ Nguyên, thì sau mỗi vụ lúa tháng tám vừa gặt xong, công việc đồng áng cũng dần thảnh thơi. Khi ấy, lúa mới, rơm mới đều có đủ cả nên người dân nghĩ ngay đến ơn nghĩa của trời đất cho mưa gió thuận hòa, không thiên tai, lũ lụt làm hư hại mùa màng. Do đó, cứ đến rằm tháng 10 âm lịch, người dân sẽ đem những gì đã thu hoạch được, làm ra các món ăn theo phong tục địa phương cùng mâm cơm dâng cúng ông bà tổ tiên, thổ thần, một nghi thức văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Quan trọng hơn hết là mỗi người thể hiện sự nhớ ơn, đền ơn, kết nối các thành viên gia đình.
Thực tế, cuộc sống thì vận động không ngừng, con người đến với nhau không chỉ chung lòng hòa ái, thuận thảo với nhau trong lao động, trong đối nhân xử thế, trong ý nghĩa tu thân, tề gia, bình thiên hạ, giải thoát khổ đau cho chính mình mà còn có trách nhiệm giáo dục con cái, thế hệ nối tiếp phải biết đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong ý nghĩa thiêng liêng, ngập tràn khát vọng sống và đầy lòng tự tín được truyền thông kết nối giữa các thế hệ, ngày nay lễ hội rằm tháng mười hàng năm lại càng tôn vinh thêm các giá trị tinh thần văn hóa cội nguồn dân tộc.
Thu Hồng tổng hợp
Tài liệu tham khảo: thuvienphapluat.vn và kinhtedothi.vn