ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ

Visits: 10

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương (ngày mùng 5/5 âl) là ngày tết dân gian có từ lâu đời của người Việt Nam. “Đoan” nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11h00 – 13h00 và theo phong tục ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa.

Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với câu chuyện khá ly kỳ về vị quan tên là Khuất Nguyên. Chuyện xưa kể lại rằng, vào thời nhà Sở có một vị đại thần tài giỏi tên là Khuất Nguyên. Ông vừa là một vị trung thần, đồng thời cũng là nhà văn hóa nổi tiếng. Thế nhưng trong một lần can ngăn nhà vua, ông đã bị hãm hại, dẫn đến bị bắt giam. Vì quá uất ức ông đã gieo mình xuống sông Mịch La để tự vẫn vào ngày mùng 5/5 âl. Vì thương tiếc cho vị quan trung nghĩa này nên mỗi năm đến ngày mùng 5/5, người dân sẽ làm bánh bá trạng rồi thả trôi theo dòng sông gửi đến quan Khuất Nguyên.

Tết Đoan Ngọ còn được gọi với tên dân dã là ngày Tết “diệt sâu bọ” vì nó bắt nguồn từ một truyền thuyết. Vào một vụ mùa bội thu, người nông dân ăn mừng vì trúng mùa. Thế nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến rất đông, ăn hết cây trái, thực phẩm đã thu hoạch được. Người dân rất lo lắng, đau đầu không biết cách gì để có thể giải quyết được nạn sâu bọ thì xuất hiện một ông lão xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm những lễ vật đơn giản: bánh gio, trái cây, sau đó đi ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo lời ông thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn đàn té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn và để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết “diệt sâu bọ” với mong muốn tiêu diệt các loài sâu bọ gây hại cho người dân, mong cho mùa màng bội thu.

Tùy theo từng vùng miền khác nhau mà người dân sẽ chuẩn bị lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ khác nhau. Tết Đoan Ngọ là dịp nhà nhà háo hức chuẩn bị những món ăn truyền thống, không cần chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, dù là vùng miền nào thì hoa quả, cơm rượu, bánh tro (hay bánh ú)… là những món không thể thiếu trong mâm lễ.

Ở thành phố Châu Đốc, dù nay là đô thị du lịch năng động, người dân vẫn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày tết này. Sáng sớm các bà, các chị ra chợ chọn những loại trái cây tươi ngon đặc trưng theo mùa, đặc biệt là quả vải thiều đầu mùa thơm lừng, chín mọng, đại diện cho sự đầy đủ và phong phú, được đem vào từ miền Bắc là một trong những loại trái cây được ưa chuộng. Ngoài trái cây thì những đóa hoa tươi thắm cũng được chọn lựa cẩn thận để dâng lên cúng tổ tiên.

Đối với người Hoa ở Châu Đốc thì Tết Đoan Ngọ được đánh dấu bởi những hoạt động đặc trưng như ăn bánh ú – món ăn truyền thống để mừng Tết Đoan Ngọ; đeo túi thơm có tác dụng xua đuổi côn trùng và tránh dược dịch bệnh; treo ngải cứu ở cửa chính được xem là cách bảo vệ sức khỏe, gia đạo và đeo vòng ngũ sắc đại diện cho sự cát tường, mang lại may mắn và điềm lành.

Đối với người Kinh thì mâm cúng đa dạng hơn ngoài bánh ú còn có cơm rượu nếp cái hoặc nếp cẩm; thịt vịt được chế biến các món ngon như vịt luộc, vịt quay, vịt tiềm; các món chè cũng được chọn cúng trong ngày này đặc biệt là chè hạt sen và chè đậu đen – hai loại chè có tác dụng giải nhiệt tốt, chè trôi nước thì tròn đầy, viên mãn. Đặc biệc, ngày này thì nhà nhà thường làm hoặc mua bánh xèo, heo quay, gà quay để cúng.

Với sự phát triển của thời đại, thì việc cúng Tết Đoan ngọ không chỉ là bày tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên, mà còn là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, chung vui, dù cho mâm cúng đơn sơ hay trang trọng, đều ẩn chứa tình cảm và ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người bình an, khỏe mạnh./.

Minh Trang

Ảnh: Sĩ Nguyễn và st

Một số lễ vật trong mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ

Mâm cúng gồm hoa, trái, cơm rượu, chè, bánh ú   

Bánh xèo là món phổ biến trong ngày này

Bánh ú

Vịt quay

 

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.