Visits: 1
An Giang là một vùng đất được thiên nhiên ưu ái cho địa hình thuận lợi để thủy, hải sản sinh trưởng. Vì vậy mà những món ăn đặc sản tại xứ này cũng thường làm từ các loại tôm, cua, cá đánh bắt trên dòng nước giàu phù sa chảy qua đây. Và món đặc sản nổi danh nhất xứ này có lẽ là mắm Châu Đốc. Mắm không chỉ nổi tiếng tại An Giang hay các tỉnh thành trong nước mà còn gây được tiếng vang tại các nước khác.
Đặc sản mắm tại chợ Châu Đốc (Ảnh: sưu tầm)
Từ khi ra đời đến nay, mắm Châu Đốc đã có gần 150 năm tuổi thọ với hàng trăm loại mắm có hương vị hoàn toàn khác nhau. Chính vì có một bề dày lịch sử lâu đời nên mắm Châu Đốc không đơn giản là món đặc sản nổi tiếng mà còn là một biểu tượng ẩm thực vùng miền. Chỉ cần nhìn thấy mắm Châu Đốc, người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất An Giang trù phú cùng những dòng nước mang cá về. Mắm Châu Đốc nổi tiếng không chỉ vì ngon, chất lượng mà còn có thể chế biến ra rất nhiều món ăn mang nét đặc trưng rất riêng không nơi nào có được như: lẩu mắm, mắm chưng, mắm chiên, …
Lẩu mắm
Lẩu mắm được xem là niềm tự hào của ẩm thực Châu Đốc vì món ăn này có hương vị thơm ngon, đồng thời lại nhìn rất đẹp mắt. Màu sắc tươi sáng của các loại hoa, màu xanh mát mắt của nhiều thứ rau đồng nội, màu trắng của bún tươi và màu nâu đậm của nồi nước lẩu khiến món lẩu mắm Châu Đốc giống như một bức tranh ẩm thực vừa dân dã lại vừa sống động.
Lẩu mắm ( Ảnh: sưu tầm)
Để có được nồi lẩu mắm ngon thì người ta thường chọn kết hợp hai loại mắm cá sặc và cá linh (hoặc cá chốt) vì các loại cá này có vị ngọt bùi sẽ giúp nồi nước lẩu được ngon đậm đà hơn. Mắm sau khi được nấu sẽ được lọc lại bỏ hết phần xương cá để lấy phần nước dùng, sau đó cho thêm thịt ba chỉ xắt mỏng, cá linh, các rô, cá ba sa, hay cá hú,…tùy sở thích của mỗi người, ngoài ra có thể kết hợp thêm tôm, mực, lươn,… và một nguyên liệu không thể thiếu nữa là cà tím để tạo thêm độ ngọt và thơm cho nước dùng. Đặc biệt hơn nữa, để tạo nên nét đặc trưng nổi bật của món lẩu mắm đó là các loại rau ăn kèm vô cùng đa dạng gồm: bông súng, bông điên điển, bông lục bình, hoa chuối, rau muống, rau dừa, cù nèo,… Tất cả những thứ trên kết hợp lại đã tạo nên món lẩu mắm vô cùng đặc sắc mà không một thực khách nào có thể cưỡng lại.
Chính vì thế, lẩu mắm Châu Đốc dần dần đã trở thành món ăn nổi tiếng và được đem đến nhiều tỉnh thành khác trên khắp Việt Nam. Ngày nay, du khách có thể tìm thấy món lẩu mắm ở nhiều nơi. Nhưng ở Châu Đốc, An Giang, nơi sinh ra món ăn này, vẫn là nơi lẩu mắm có được hương vị nguyên bản nhất.
Mắm chưng
Mắm chưng trứng là món ăn dân giã, quen thuộc của người dân miền Tây sông nước. Không chỉ có hương vị thơm ngon khó cưỡng mà món ăn này trông cũng rất đẹp mắt.
Mắm chưng (Ảnh: sưu tầm)
Để chế biến món ăn này cần có những nguyên liệu như thịt heo, trứng gà, hành lá, gia vị. Một số nơi còn cho thêm cả trứng muối để làm tăng vị đậm đà, màu sắc cũng bắt mắt, hấp dẫn hơn.
Mắm trước khi chưng phải được bâm hoặc xay nhuyễn trộn chung với trứng vịt, thịt ba chỉ cũng bâm nhỏ, cùng củ hành tím sau đó trộn đều, nêm nếm gia vị và đem đi chưng cách thủy. Sau khoảng 20 phút, khi mùi thơm bắt đầu lan tỏa khắp căn bếp thì mắm được phết thêm một lớp lòng đỏ trứng để tạo màu. Tiếp tục hấp thêm vài phút nhưng không được đậy kín, vì như thế sẽ làm mất đi màu đỏ của lòng trứng gà. Thành phẩm là thố mắm chưng vàng ươm, thơm nức mũi. Món ăn vốn đã đẹp mắt nên chẳng cần trang trí cầu kỳ, chỉ thêm một vài lát ớt đỏ, đặt giữa mâm rau sống xanh mướt là đã sẵn sàng cho một bữa ăn ngon lành.
Mắm chưng đến nay vẫn là món ăn phổ biến, được đưa vào nhiều quán cơm quê ở thành phố. Nhưng nhiều người thừa nhận dù ăn ở đâu vẫn không bằng quê nhà An Giang.
Mắm cá lóc chiên
Không phải chế biến cầu kỳ như các món trên, đối với món mắm chiên thì cách chế biến lại đơn giản hơn nhiều, nhưng hương vị vẫn không hề thua kém các món khác.
Mắm cá lóc chiên (Ảnh: sưu tầm)
Để chế biến món mắm chiên, chỉ cần sử dụng một ít mỡ heo xắt thành khối nhỏ vuông thắng lấy nước, sau đó cho hành, tỏi phi vàng và cho mắm vào chiên dưới lửa vừa. Sau khi chiên sơ mắm, cho thêm nước dừa tuơi, nêm nếm gia vị và để trên lửa đến khi phần nước sệt lại là được, rồi thêm tiêu, hành lá, ớt cắt nhỏ vào là hoàn thành.
Mắm cá lóc chiên thơm phức mùi vị đặc trưng của mắm, màu xanh đỏ của hành ớt thật bắt mắt. Hương vị đậm đà, mắm mềm mặn mặn ngọt ngọt, ăn kèm với cơm trắng và một ít rau sống thì không còn gì bằng.
Mắm cá sống (Ảnh: sưu tầm)
Ngoài chế biến các món ăn trên, đối với các loại mắm các chốt, cá linh, các sặc, cá trèn,.. còn có thể ăn sống với các loại rau sống, hoặc người dân địa phương thường ăn mắm sống cùng với bắp luộc thay cho các bữa ăn sáng.
Ngoài ra mắm thái (mắm cá lóc thái sợi trộn với mắm đu đủ) có thể cuốn cùng với bánh tráng, thịt luộc, rau sống,…cũng tạo nên một món ăn vô cùng đặc sắc.
Trúc Đào