ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH – NGƯỜI MỞ MANG BỜ CÕI NAM BỘ VIỆT NAM

Visits: 34

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một vị tướng quốc, một bậc công thần thời chúa Nguyễn. Ông có tên húy là Lễ hoặc Thành, sinh năm 1650 tại Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Ông là con thứ ba của Tiết chế Chiêu Võ hầu Nguyễn Hữu Dật. Nguyễn Hữu Cảnh sinh ra trong hoàn cảnh nước nhà đang thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh. Từ nhỏ ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, văn võ song toàn và sớm có chí lập thân, lập nghiệp. Ông lại thuộc dòng dõi con nhà tướng nên sớm trở thành người tài giỏi, võ nghệ siêu quần. Từng là sư tổ của môn võ, danh hiệu “Bạch hổ sơn quân phái’’ được nhiều người kính phục. Tuy còn trẻ, nhưng ông đã lập được nhiều chiến công, được chúa Nguyễn trọng dụng ban tước Lễ Thành Hầu và cử giữ chức Cai Cơ (một chức võ quan thuộc bậc cao thời đó).

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã lập rất nhiều công lớn và để lại nhiều thành tựu rất đáng trân trọng như:

– Năm 1692, Chúa Nguyễn phái Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Binh an định bờ cõi. Ông đã tích cực phấn đấu và để lại nhiều dấu ấn như: Ổn định phủ Bình Thuận; Hòa đồng sắc tộc Chăm – Việt; Cải cách hài hòa nền văn hóa hợp chúng..

– Năm 1698, Chúa lại cử ông làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai. Ông đã thay đổi vùng Đồng Nai từ khó khăn, hiểm trở thành phủ Gia Định rộng lớn, trù phú, đông đúc mà ông là người có công đầu trong lớp người khai mở Phủ Gia Định với các kế sách như: Khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, bảo vệ chủng dân và vùng đất mới; Thiết lập cơ sở hành chính thôn xã có quy củ; Lập phủ Gia Định và chính thức cho sát nhập vào bản đồ Đại Việt; Đề xuất công trình chiêu mộ lưu dân và khuyến nông

– Tháng 4 năm 1700, sau khi đánh thắng quân Chân Lạp, ông kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao rồi nhiễm bệnh, sau đó thì qua đời. Có tài liệu nói ông mất ở Rạch Gầm, Mỹ Tho. Sau khi ông mất được nhiều sắc phong của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với các danh vị: Đô thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Lễ thành hầu.

Với những công lao to lớn đối với vùng đất và con người ở miền Nam nên để tưởng nhớ công đức của ông, chính quyền và nhân dân các địa phương đã dùng tên của ông để đặt tên đường, trường học, sông rạch… như Chưởng Binh Lễ, Thượng Đăng Lễ, Cù lao ông Chưởng, rạch ông Chưởng… và lập đền thờ hoặc lập bài vị ông ở nơi trang trọng.

Tỉnh An Giang là một trong những địa phương có nhiều đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh, trong số đó có Đình Châu Phú ở thành phố Châu Đốc do ông Thoại Ngọc Hầu đứng ra chỉ huy xây dựng. Giữa một thành phố du lịch đầy sôi động, đình Châu Phú vẫn ung dung tựa vào núi, mặt hướng ra dòng sông Hậu, tạo một nét trầm mặc, một sắc thái an nhiên làm lắng lòng người. Ngôi đình có kiến trúc đẹp thu hút đông đảo nhân dân địa phương đến tham dự các lễ kỳ yên, đặc biệt là lễ giỗ ông vào ngày mùng 10 – 12/5 âm lịch hàng năm.

Như thông lệ thường niên, năm nay kỷ niệm 324 năm ngày mất của ông, Ban quản lý Đình cũng tổ chức các lễ như: lễ thỉnh sắc, lễ túc yết và xây chầu, lễ chánh tế và lễ hồi sắc. Các lễ này được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống để cùng nhau ôn lại những công lao, cống hiến to lớn của ông đối với địa phương cũng như đất nước. Đồng thời giáo dục truyền thống cao đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn bản sắc văn hóa lịch sử dân tộc, tôn vinh công đức người xưa để thế hệ trẻ học tập noi theo, cùng góp sức xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Minh Trang

Ảnh: St

Một số hình ảnh tại Đình Châu Phú, TP Châu Đốc, An Giang

Toàn cảnh Đình Châu Phú

Mặt chính Đình Châu Phú

Đình Châu Phú tổ chức lễ kỳ yên kỷ niệm ngày mất ông Nguyễn Hữu Cảnh

Chánh điện Đình Châu Phú

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.