ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

LÊ ĐẠI CƯƠNG – VỊ QUAN VĂN VÕ TOÀN TÀI

Visits: 3

Lê Đại Cương (1771 – 1847) còn gọi là Lê Đại Cang, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, quê quán thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Là một trung thần triều Nguyễn, qua 3 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; Ông nổi tiếng là người trung hiếu, giỏi chính sự, văn võ song toàn.

Tượng chân dung Lê Đại Cương

Năm 21 tuổi, khi cha mẹ lần lượt qua đời, ông bắt đầu nghề dạy học kiếm sống. Năm 1802, ông được tiến cử với vua Gia Long và được bổ chức Tri huyện Tuy Viễn. Trong suốt sự nghiệp của mình, dù vào Nam, ra Bắc, sang cả Cao Miên với nhiều chức vụ từ Tri huyện đến Tổng đốc, Thượng thư; nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao và có những đóng góp đáng quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: chỉ huy đào sông Vĩnh Điện dài 1.630 trượng ở Quảng Nam, đắp đê sông Hồng mới, giải oan cho người liêm chính và trừng phạt nhiều quan lại tham nhũng; năm 1832, là Tổng đốc An Hà, ông đã có công lớn trong việc xây thành An Giang, khai đào tuyến đường thủy, chấn chỉnh quân đội, chiêu mộ và huấn luyện binh sĩ…

Đòn khiêng võng của ông

Điều đáng trân trọng là trong hơn 40 năm quan trường, ông rất nhiều lần được khen thưởng, thăng chức rồi bị cách chức, giáng chức, mất chức rồi được phục chức nhưng ông vẫn một lòng một dạ kiên trung với triều đình, với sự nghiệp, không lay chuyển. Ông có đến hai mươi lần thăng quan tước, nhưng cũng có ít nhất năm lần bị bãi chức, một lần bị án “trảm giam hậu”; khi thì làm quan to, lúc thì làm lính đi khiêng võng. Ngày nay, tại Bảo tàng Bình Định còn có một kỷ vật là chiếc đòn khiêng võng – biểu tượng sự thăng trầm cuộc đời làm quan của ông, đã gắn bó cùng ông trong hai lần bị cách chức xuống làm lính khiêng võng tại vùng đất An Hà này.

Năm 1842, khi đã 72 tuổi, ông xin về hưu và về quê khôi phục Từ đường họ Lê ở thôn Luật Chánh, lập ra chùa Giác Am, hướng tâm tu hành, lấy hiệu là Giác Am cư sĩ và lập Văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp văn nhân Tuy Phước, Quy Nhơn. Sinh thời ông hay ngâm vịnh, có làm ra “Nam hành, Tục Nam hành thi tập, Tỉnh ngu thi tập, Lê Thị gia phả…” rất tiếc đã bị thất lạc gần hết.

Cuộc đời và sự nghiệp, những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước, với quê hương An Giang và nhân cách đạo đức của danh tướng Lê Đại Cương rất xứng đáng là một tấm gương để đời sau học tập và noi theo./.

Minh Trang

Nguồn tham khảo: sách “Danh nhân Châu Đốc”

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.