ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024)

Visits: 17

Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc của dân tộc Việt Nam, đây là dịp toàn dân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ. Thể hiện sự tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhớ ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ

đối với đất nước (Ảnh minh họa)

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực trên các chiến trường. Thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó, hằng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ.

Cho đến nay, phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai phù hợp các chính sách đối với người có công, Đảng và Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, tổ chức và vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ hàng năm trở thành một thông lệ không thể thiếu đối với đất nước mà quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước luôn đặt song hành.

Chính vì lẽ đó, trong những năm qua Đảng bộ và chính quyền thành phố Châu Đốc luôn phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đưa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành một nét đẹp trong đời sống ngày thường của mỗi người dân địa phương. Hàng năm các ban ngành, đoàn thể của thành phố tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như viếng Nhà bia ghi danh liệt sĩ, cất nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, thăm, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách, về nguồn… qua đó nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đền đáp xứng đáng sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Thu Hồng

Nguồn tham khảo: www.nhandan.vn

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.