Visits: 8
Ngày 20/8/1888 – 20/8/2024, kỷ niệm 136 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng – một trong những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, đây cũng là ngày mà chúng ta cùng nhau kính nhớ và tôn vinh người.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng – người con Việt Nam được sinh ra tại cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Dù ở bất kỳ độ tuổi, cương vị, vai trò nào thì lòng yêu nước của Người vẫn bất diệt. Từ thuở thiếu thời, Người đã sớm nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí đấu tranh chống lại sự áp bức, bốc lột của thực dân phong kiến, đến khi là học sinh, người thợ máy trên chiến hàm của hải quân Pháp, rồi trở thành một chiến sĩ cách mạng và cuối cùng là cương vị Chủ tịch nước thì lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của Người vẫn luôn mãnh liệt.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng không chỉ là một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, mà còn là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Nhắc đến Người là nhắc đến tấm gương mẫu đạo đức cách mạng: Nhân ái, thủy chung, khoan dung, nhân hậu; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị. Là tấm lòng yêu nước thương dân, yêu thương con người, những người bất hạnh, người cùng khổ, tấm lòng yêu thương ấy càng được thể hiện rõ hơn trong quá trình hoạt động thực tiễn như từ những ngày tháng bị giam cầm trong ngục tù đế quốc, hình ảnh “người cặp rằng Hầm xay lúa” Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, thương yêu những đồng chí anh em cùng cảnh ngộ. Phải sống chung với bọn côn đồ, làm những công việc nặng nhọc nhất, nhưng bằng đạo đức cách mạng và bằng trái tim nhân ái, Bác Tôn đã kiên trì giáo dục, giác ngộ, đoàn kết tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm, dần dần đã cảm hóa số tù lưu manh; không khí thương yêu, giúp đỡ nhau thay thế bạo lực, thù hằn.
Người còn là người sống nhân ái, tình nghĩa đối với đồng chí, đồng bào. Thương một cựu tù Côn Đảo già yếu vào mùa đông giá rét, Người đã mua một tấm nệm mút mang đến tặng hay trích tiền lương của mình giúp đỡ gia đình một cố bộ trưởng nuôi 2 người con ăn học đến ra trường.
Người còn là một tấm gương tiết kiệm mẫu mực: Tiết kiệm trong sinh hoạt gia đinh, trong công tác; tiết kiệm tài sản của nhân dân đất nước như khi về thăm quê nhà dù đang ở cương vị Chủ tịch nước nhưng vẫn mặc trên người là bộ quần áo bạc màu với yêu cầu hết sức hạn chế xe đưa, Người đón vì “sợ hao phí tiền của và công sức của Nhà nước và Nhân dân. Người sống một đời liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết như khi Người bảo hai cô con gái của người ra phố ở để sau này khi Người không làm việc nữa thì dễ trả nhà cho Chính phủ sau khi Bác Tôn gái qua đời dù vẫn trong thời kỳ làm Chủ tịch nước.
Những đóng góp của Người cho Cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn. Ngay cả khi bị đày ra Côn Đảo, gần mười bảy năm bị giam ở ngục tù, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ là một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Người đã đề xướng việc thành lập Hội cứu tế tù nhân – hội tù Côn Đảo đầu tiên; góp phần quan trọng vào việc thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của tù nhân Côn Đảo, thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp, với mục tiêu cụ thể trước mắt và lâu dài. Đặc biệt khi Chi bộ thực hiện chủ trương biến “nhà tù thành trường học cộng sản”, Người tích cực hưởng ứng, gương mẫu học tập và tham gia vào truyền bá những kiến thức về lý luận cơ bản và nội dung huấn luyện cho các tù nhân. Nhờ sự bí mật, khôn khéo của Người đã giúp Chi bộ vừa chuyển được thư từ, tài liệu ở Côn Đảo về Sài Gòn, vừa nhận được nhiều sách lý luận gồm những tác phẩm kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin… dùng làm tài liệu học tập trong tù.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, từ Côn Đảo trở về, được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao giữ nhiều trọng trách như Phụ trách Ủy ban Kháng chiến kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Nam Bộ, Phó Hội trưởng và Hội trưởng Hội Liên Việt, … đến giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), dù ở bất kỳ cương vị nào Người cũng luôn nêu cao ý thức, tổ chức kỷ luật của người Đảng viên, luôn gương mẫu đi đầu, sẵn sàng, gánh vác nhiệm vụ khó khăn; có tinh thần đứng mũi, chịu xào, ý thức trách nhiệm cao với công việc; không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị; nêu gương sáng về trung thành, lòng tận tụy phục vụ Nhân dân.
Ngày nay, khi nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng cảm thấy tự hào và biết ơn những cống hiến to lớn của Người. Những giá trị đạo đức cách mạng mà Người để lại mãi mãi là nguồn cảm hứng, là kim chỉ nam cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhân dịp kỷ niệm 136 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta cùng nhau ôn lại những bài học quý báu từ cuộc đời của Người. Đồng thời, cũng tự răn dạy bản thân cần phải tiếp tục học tập, noi gương phát huy những giá trị đạo đức cách mạng mà Người đã để lại, cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng cường, vững mạnh, xứng đáng với những hy sinh cao cả của thế hệ cha anh đi trước./.
Bài: Kim Ngọc
(nguồn: dangbotinhangiang)