Visits: 77
Kênh Vĩnh Tế – con kênh đào nổi tiếng, đóng vai quan trọng trong việc phát triển kinh tế, giao thông và cũng là một chiến phòng thủ vững chắc cho vùng biên giới Tây Nam, là một công trình vĩ đại thể hiện sự lao động sáng tạo, đầy nghị lực và ý chí phi thường của người dân vùng đất Tây Nam Bộ trong công cuộc khai hoang, mở đất của các bậc tiền nhân, đặc biệt là vị công thần Triều Nguyễn – ông Thoại Ngọc Hầu. Ông đã chỉ huy khoảng 80.000 nhân công thực hiện đào bằng tay từ năm 1919 đến năm 1824 thì hoàn thành. Kênh Vĩnh Tế có chiều dài khoảng 90km, bất đầu từ bờ tây sông Châu Đốc đào thẳng nối giáp với sông Giang Thành thuộc thành phố Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang. Đây là một công trình mang nhiều giá trị về quốc phòng, giao thông, thương mại, thủy lợi, cũng như là nông nghiệp mang đến nhiều thuận lợi cho đời sống của nhân dân nơi đây.
Theo sử sách triều Nguyễn, vào năm 1816, khi thành Châu Đốc đắp xong, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy”. Nhưng nhà vua chưa ra lệnh cho đào ngay vì ngại đây là vùng đất mới mở, nhân dân còn cơ cực, lòng dân sẽ không yên. Đến năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 – (1819), vua phát lệnh cho đào kênh với 3 mục tiêu nhằm phát triển đất nước, phòng giữ ngoại biên, người dân buôn bán. Để đào cho con kênh được thẳng, người xưa phải đợi ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc buộc trên đầu những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây “sào lửa” cho thật ngay hàng, nhóm thợ cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí.
Công việc đào kênh thâu đêm suốt sáng, muôn vàn cơ cực, kham khổ, thiếu thốn khó mà kể hết. Cuối cùng vào tháng 5 (âm lịch) năm 1824, kênh Vĩnh Tế cũng hoàn thành. Con kênh dẫn nước từ sông Châu Đốc, chạy dọc miền biên viễn Tây Nam, thông qua các kênh đào đan xen tống phèn ra biển, cung cấp nước ngọt, phù sa cho ruộng đồng.
Có thể thấy rằng, sau 200 hoàn thành, phù sa vẫn theo dòng kênh Vĩnh Tế miệt mài bồi đắp, mang đến những mùa màng bội thu cho vùng đất miền Tây Nam Bộ. Để tưởng nhớ công lao to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu và bà Châu Thị Tế cùng với các bậc tiền nhân trong công cuộc đào kênh, thành phố Châu Đốc và phối hợp với UBND tỉnh An Giang sẽ tổ chức các hoạt động kỉ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế và tưởng niệm (1824 – 2024) 198 năm ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 – 2024). Lễ kỷ niệm nhằm khẳng định giá trị kênh Vĩnh Tế – con kênh đào nổi tiếng, đóng vai quan trọng trong việc phát triển kinh tế, giao thông và cũng là một chiến phòng thủ vững chắc cho vùng biên giới Tây Nam. Bên cạnh đó còn quảng bá, giới thiệu về hình ảnh vùng đất, con người và các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của địa phương, phục vụ người dân, du khách đến với thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Hồng Hạnh