Visits: 206
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là lễ hội cấp quốc gia được công nhận là di sản văn hóa phi thể quốc gia vào năm 2014, là một trong hơn 7.000 lễ hội truyền thống ở Việt Nam và được giữ gìn, tổ chức thực hiện qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Lễ hội không chỉ mang giá trị về văn hóa tâm linh, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của người dân mà còn là minh chứng lịch sử sinh động cho một thời kỳ của người Việt đến vùng đất An Giang, lễ hội còn là sự giao lưu văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer thể hiện nền văn hóa mang bản sắc dân tộc độc đáo.
Tượng Bà Chúa xứ
Nhắc đến Miếu Bà Chúa Xứ là nhắc đến sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ từ những lời cầu nguyện của người dân đến những truyền thuyết huyền bí về tượng bà trên đỉnh Núi Sam. Theo như tương truyền thì Tượng Bà được tìm thấy trên đỉnh núi, bị giặc Xiêm quấy phá nên Bà nhập cốt vào cô bé ở trong làng, bảo dân làng tìm 9 cô gái đồng trinh rước Bà xuống Bà sẽ phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, khi đoàn rước Bà di chuyển đến vị trí hiện tại thì tượng Bà bỗng trở nên nặng trịch, không thể nào di chuyển được. Lúc đó, dân làng đã hiểu ý Bà muốn chọn nơi này để an vị nên lập Miếu để thờ Bà cho đến bây giờ và ngày đó là ngày 25/4 âm lịch, vì vậy dân làng chọn ngày này làm lễ Vía Bà.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 22/4 đến ngày 27/4 âm lịch hằng năm. Bên cạnh, phần lễ song song phần hội cũng được diễn ra sôi nổi với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: thả đèn hoa đăng, trò chơi dân gian, nghệ thuật đường phố, các hoạt động triển lãm, giao lưu văn hóa của 04 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer.
Lễ Thỉnh sắc thần
Nét đặc trưng của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc, đây là tín ngưỡng có lịch sử lâu đời và giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Đối với tín ngưỡng thờ Mẫu là thờ các vị nữ thần – họ là những vị thần vừa có quyền năng màu nhiệm vừa là người mẹ bao dung bảo hộ và che chở cho người dân. Tuy nhiên, từng vùng miền thì nghi thức thờ Mẫu có những nét đặc trưng riêng như ở Bắc bộ, là thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ với nghi thức diễn ra theo một trình tự nghiêm ngặt, nhiều nghi lễ cùng với âm nhạc chầu văn tạo nên một tổng thể diễn xướng dân gian; đối với Trung bộ, là thờ mẹ xứ sở nhưng có sự giao thoa với tín ngưỡng thờ mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm nên đã Việt hóa mẹ xứ sở Chăm thành Thánh Mẫu Thiên Yana; đối với Nam bộ, Mẫu kết hợp với nữ thần Đất của người Khmer thành các Bà Chúa Xứ. Khác với Bắc bộ và Trung bộ, ở Nam bộ chỉ thờ duy nhất Bà Chúa Xứ (Thánh Mẫu) trong điện thờ, nghi thức tế lễ thường đơn giản hơn và có sự pha trộn văn hóa Việt với văn hóa Chăm, văn hóa Khmer. Điển hình như ở các nghi thức lễ hội của Miếu Bà phần lễ tuy không có hầu đồng hoặc múa bống rỗi như được thực hiện ở Miền Bắc nhưng trong phần nghi lễ thì lễ Tắm Bà cũng là lễ Mộc dục trong các lễ ở đình, đền miền Bắc còn các lễ Thỉnh sắc, Túc yết, Xây chầu, Đại bội, … là những nghi thức trong lễ cúng Kỳ yên ở đình làng Nam bộ.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2023, vẫn được tổ chức như theo thông lệ hàng năm với hai phần là phần lễ và phần hội. Ngoài ra, năm nay Ban tố chức lễ hội tổ chức thêm những sự kiện khá đặc biệt như:
1. Lễ hoàn công công trình: Bảo tồn, tôn táo và phát huy giá trị di tích cấp Quốc gia – Khu vực Bà ngự trên đỉnh núi Sam vào lúc 15h00’ ngày 8/6/2023 (ngày 21/4 ÂL)
2. Tổ chức gian hàng phục vụ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ 07/6/2023 đến ngày 09/6/2023 nhằm ngày 20/4/2023 – 22/4/2023 Âl, tại bãi đậi xe khu Thương mại chợ Vĩnh Đông, phường núi Sam thành phố Châu Đốc, với quy mô gồm 40 gian hàng thể hiện không gian văn hóa ẩm thực của tỉnh An Giang.
3. Tổ chức Lễ khai hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2023, với chủ đề “Đất thiêng vạn lộc” tổ chức vào lúc 19h30 ngày 21/4 ÂL tại Trung tâm thương mại Vĩnh Đông – phường Núi Sam được tổ chức quy mô lớn được đầu tư kỹ nhằm đem lại những trải nghiệm mới lạ cho du khách đến với mùa Vía Bà. Sau phần Lễ khai hội sẽ tổ chức phục vụ nghệ thuật, quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng TP.HCM.
Phối cảnh sân khấu
4. Bên cạnh đó, trong thời gian lễ hội diễn ra từ ngày 08/6/2023 đến ngày 14/6/2023 (nhằm ngày 21/4 đến hết ngày 27/4 âm lịch) sẽ không tổ chức thu phí khách du lịch đến tham quan. Ngoài ra, sau Lễ Hội Vía Bà chuỗi hoạt động các sự kiện văn hóa, lịch sử khác được tổ chức như như kỷ niệm 323 năm Ngày mất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1700 – 2023), 194 năm Ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 – 2023) và lễ hội đường phố Thoại Ngọc Hầu kinh lý Tân Lộ Kiều Lương./.
Tin bài: Kim Ngọc