Visits: 55
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất của vùng đất An Giang, lễ hội là nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có ở nước ta từ nhiều thế kỷ qua. Sắp đến đây nhân dịp Lễ đón bằng công nhận của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và khai hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Hãy cùng Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam nhìn lại hành trình từ tín ngưỡng dân gian địa phương đến Di sản văn hóa phi vật thể của đại diện của nhân loại của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Khởi nguyên
Bắt đầu vào trước thế kỷ XVIII, với việc tượng Bà được người dân địa phương tìm thấy và thỉnh xuống từ đỉnh núi Sam từ đây với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại đã khắc họa hình ảnh vị Chúa Xứ là vị thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ nữ thần.
Như một dạng văn hóa tiềm thức, tín ngưỡng thờ Mẫu đã theo chân những thế hệ lưu dân người Việt trên đường di dân về phương Nam. Thờ Bà Chúa Xứ là tín ngưỡng dân gian của người Việt đã có từ lâu đời, là một biểu hiện cụ thể của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung. Bà Chúa Xứ là hiện sinh của vị Mẫu thần, biểu hiện to lớn về khát vọng tìm kiếm sự che chở, bảo bọc cho cuộc sống bình yên của người dân địa phương. Như vậy, Bà Chúa Xứ Núi Sam, không ngoài góc nhìn của người dân Nam bộ về người mẹ của vùng đất Châu Đốc, là người mang lại cho người dân nơi đây sức khỏe, tài lộc và bình an.
Bằng sự linh ứng nội tại vốn có cùng sự chung tay trao truyền, thực hành qua nhiều thế hệ đã xây dựng thành công Lễ hội giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng của địa phương.

Các cột mốc quan trọng
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 4 Âm lịch, trong miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam, là các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất – Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở Châu Đốc, An Giang.
Chính lễ diễn ra với các nghi thức, gồm: Lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống lăng miếu; lễ tắm Bà; lễ túc yết và xây chầu; lễ chánh tế; lễ hồi sắc… Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, như: Biểu diễn lân – sư – rồng, đua thuyền; văn nghệ; biểu diễn nhạc ngũ âm Khmer, hát bội truyền thống… phục vụ người dân địa phương và khách hành hương.
Năm 2014, Lễ hội được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” theo quyết định “4205/QĐ-BVHTTDL Ngày 19/12/2014” thể hiện sự trân trọng đối với loại hình lễ hội dân gian đặc sắc này.
Sau 10 năm được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tiếp tục được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại .
Ngày 04/12/2024 giờ địa phương (19h47′ giờ Hà Nội), tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Trung tâm hội nghị Conmebol, thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay, di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tính tất yếu của hội nhập quốc tế trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể:
Hội nhập quốc tế trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là một quá trình tất yếu, có lịch sử phát triển lâu dài và có nguồn gốc. Ở phạm vi quốc tế, một quốc gia muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nước mình thì phải liên kết với các quốc gia khác. Do sự phát triển có nguy cơ làm hủy hoại một số di sản văn hóa nổi tiếng trên Thế giới, đối với di sản văn hóa phi vật thể, UNESCO đã thực hiện việc lựa chọn những di sản tiêu biểu vào “Tuyên bố các Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” (1) các năm 2001, 2003 và 2005 để bảo vệ. Việt Nam có nhã nhạc Triều Nguyễn ở Huế và Không gian văn hóa Cồng chiên Tây Nguyên được đưa vào các tuyên bố này vào năm 2003 và 2005. Sau khi Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có hiệu lực vào năm 2008, các kiệt tác được chuyển sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, Việt Nam có 10 Di sản văn hóa được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các giá trị văn hóa nổi bật của Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam
– Lễ hội được lan tỏa đến bạn bè thế giới ghi nhận đã góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững.
– Hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ di sản dần dần được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển biến rõ rệt tích cực về nhận thức và quyết tâm của toàn xã hội trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể).
– Nâng cao nhận thức của toàn thể nhân dân, hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội về bảo vệ và phát huy giá trị trị di sản văn hóa phi vật thể: Nhận thức về đường lối, chính sách của Đảng, nhận thức về giá trị của di sản…
Thời gian sắp đến đây chính quyền địa phương, các cơ quan ban nghành tỉnh An Giang sẽ chủ động, tích cực hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản nhằm quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa, con người An Giang đến với Nhân dân trong và ngoài nước để các giá trị di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam mãi được giữ gìn, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau, mãi trường tồn và phát triển cùng dân tộc.
Bài: Văn Nhal
Nguồn: Tổng hợp
Ảnh: Ban quản lý khu du lịch quốc gia Núi Sam