ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

ÁO BÀ BA – CHIẾC ÁO TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DÂN NAM BỘ

Visits: 564

Nếu như áo tứ thân, nón quai thao tạo nên hình ảnh người con gái miền Bắc duyên dáng, thẹn thùng thì hình ảnh người con gái Nam Bộ mộc mạc, chân chất được khắc họa trong chiếc áo bà ba, nón lá, khăn rằn.

Tự bao giờ mà chiếc áo bà ba đã gắn liền với hình ảnh người phụ nữ, gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân miền sông nước và được đưa vào các câu thơ, bài hát như trong bài hát “Thương áo bà ba” của nhạc sĩ Đình Văn có viết:

“Tôi thương chiếc áo bà ba, áo bà ba em mặc ra đồng,

Trưa nắng hè áo đẫm mồ hôi, áo dãi dầu sớm nắng chiều mưa

Tôi thương chiếc áo bà ba, áo bà ba em mặc đưa đò,

Đời dãi dầu trong chiếc áo nâu, đêm anh về nhớ áo bà ba.”

Tại sao lại gọi là áo bà ba, ai là người đã sáng tạo nên chiếc áo này, đây là câu hỏi mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác nào. Xoay quanh nguồn gốc của chiếc áo vẫn còn rất nhiều giả thuyết cho vấn đề này:

Có giả thuyết cho rằng: “áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người đảo Penang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt.”

Ở một giả thuyết khác cho rằng: “có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vảo buồm đen của người Hoa.” Hay theo nhà văn Sơn Nam trong cuốn Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam, trang 24: “Áo bà ba được du nhập vào khoảng cuối thể kỷ 19, Bà –ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà – ba nên gọi là áo bà ba.”

Tuy có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của áo bà ba, nhưng điểm chung của các giả thuyết này đều nhận định áo bà ba xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước, thông qua việc buôn bán, giao lưu văn hóa mà du nhập vào Việt Nam, sau đó, được cách tân lại cho phù hợp với khí hậu, thói quen sinh hoạt của người dân ở đây.

Áo bà ba truyền thống được may với dáng áo rộng, có độ dài trùm qua mông, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông; áo không có cổ với phần tay áo liền với thân, về thân áo thì thân sau dùng một mảnh vải nguyên, thân trước có hai mảnh được gắn kết với nhau ở giữa bởi dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Về sau, do nhu cầu để những vật nhỏ mà được thiết kế thêm hai chiếc túi nhỏ ở phía trước.

Mô tả Áo Bà Ba truyền thống

Khi xưa, áo đơn giản chỉ có màu đen, màu nâu. Màu áo được nhuộm bằng lá bàng, vỏ trâm bầu, vỏ cây dà, cây cóc hoặc trái dưa nưa… nhuộm rồi thì phủ bùn để chống trôi màu. Đến khi giao thương phát triển, có vải nhập thì vải ú, vải sơn dầm, vải chéo go đen được sử dụng rộng rãi bởi tính tiện dụng, màu sắc phù hợp với điều kiện, môi trường lao động, đi lại nơi sông rạch, bùn lầy và với chất liệu này thì dễ giặt và nhanh khô. Có lẽ màu áo nâu, áo đen đã gắn liền với người nông dân chân chất, thật thà mà vì vậy, chiếc áo bà ba cũng mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc, dân dã ấy.

Theo tiến trình lịch sự, chiếc áo đơn giản mộc mạc ấy cũng có sự thay đổi, cách tân để theo kịp với thời đại, từ dáng áo, chất liệu đến màu sắc đang ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Tuy nhiên chiếc áo bà ba vẫn giữ được nét truyền thống vốn có, không làm mất đi sự duyên dáng của người con gái khi mặc chiếc áo này.

Đối với áo bà ba cách tân, dáng áo đã được nhấn thêm ở eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân người nhằm tôn lên dáng người mặc hơn so với dáng áo suôn rộng truyền thống. Ngoài ra, ở áo truyền thống, phần tay áo liền thân thì nay đã được cải biến thành ráp tay rời hay ráp tay raglan, kiểu tay áo cũng đa dạng hơn tạo nên vẻ hiện đại cho chiếc áo; phần cổ áo cũng có sự biến tấu từ áo không cổ thành những kiểu cổ lá sen, cánh én,.. của kiểu trang phục nước ngoài. Màu sắc cũng trở nên đa dạng hơn, bên cạnh những màu đơn sắc thì đã thêm hoa văn, họa tiết hay thuê hoa, đính đá, kết cườm,…  hay về chất liệu vải cũng phong phú hơn như lụa, gấm, voan, ren,…  kể cả hàng khuy cài ở giữa cũng có sự thay đổi không chỉ dừng lại ở việc gắn kết hai tà áo mà nay còn là nơi để tạo nên điểm nhấn cho chiếc áo.

Ngày nay, áo bà bà không chỉ được bắt gặp ở những cánh đồng hay vùng nông thôn mà ngay cả thành thị, trung tâm thương mại hay ở trên những sàn diễn thời trang và ở cả nước ngoài đều có sự hiện diện của chiếc áo này.

Trình diễn áo bà ba ở Festival Áo Bà ba – Hậu Giang năm 2023

Trình diễn áo bà ba ở Festival Áo Bà ba – Hậu Giang năm 2023

Có thể thấy rằng, chiếc áo bà ba, khăn rằn, nón lá là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng, nếu trong giai đoạn kháng chiến thì bộ bà ba ấy khắc hoạ nên hình ảnh nguời phụ nữ Việt Nam kiên cường, mạnh mẽ, bất khuất chống giặc thì vào thời bình chiếc áo lại mang đến hình ảnh giản dị, mộc mạc, duyên dáng của người con người con gái miền Nam.

Hiện nay, tại các khu du lịch, những vườn sinh thái ở miền Tây Nam Bộ, khi du khách ghé thăm thì dễ dàng bắt gặp hình ảnh những thuyết minh viên, hướng dẫn viên duyên dáng, đằm thắm trong chiếc áo bà ba với sự mến khách, thân thiệt hỗ trợ du khách, hay du khách có thể trải nghiệm những trò chơi dân gian, hóa thân thành người nông dân miền tây khi tham gia bắt cá, trồng lúa,… và khoác lên mình chiếc áo bà ba. Ngoài ra, áo bà ba cũng được giới trẻ ngày nay ưu ái lựa chọn làm trang phục đi lễ chùa, miếu; chiếc áo kín đáo kết hợp với quần ống suông tạo nên bộ trang phục thanh lịch, chuẩn mực khi đến những nơi tôn nghiêm, linh thiêng nhưng không làm mất đi sự duyên dáng của người mặc.

Kim Ngọc


CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.