Visits: 18
Theo nghi thức truyền thống của dân làng, sau khi thực hành nghi lễ để thỉnh Thánh Mẫu từ trên đỉnh núi Sam xuống núi, nhập Miếu thì nghi lễ quan trọng tiếp theo là lễ tắm Bà.
Lễ tắm Bà còn được gọi là lễ Mộc Dục (nghi lễ tắm thần), diễn ra vào lúc 24 giờ ngày 23/4, rạng sáng 24/4 âm lịch.

Lễ gồm có 3 hoạt động chính bao gồm: Chuẩn bị nước tắm Bà, tắm Bà, thay áo mão mới cho Bà. Trong nghi lễ Tắm Bà, nước tắm Bà được chuẩn bị trước đó vài tiếng, quy trình nấu nước tắm Bà cũng phải chu đáo với tất cả sự trang trọng, kỹ lưỡng. Đặc biệt, nước tắm Bà là nước được đun sôi với 9 loại hoa tươi (huệ đỏ, cúc vàng, huệ trắng, đồng tiền, hoa phượng, hoa điệp, hoa hồng, hoa lài, sen), để nguội, lắng lọc lại cho tinh khiết, cho nên nước vừa có hương thơm tự nhiên và vừa trong sạch thanh khiết. Việc làm này thể hiện sự thành kính, vô cùng trang trọng trước khi tiến hành nghi thức tắm cho Bà.
Nghi thức tắm Bà bắt đầu bằng nghi lễ nghiêm trang, thành kính với phần cúng mở đầu của Ban Quý Tế Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam cùng với lãnh đạo của địa phương. Sau đó bức màn nhung đỏ che chánh điện nơi Bà ngự từ từ được khép lại che toàn bộ gian thờ Bà. Tổ tắm Bà gồm chín người phụ nữ sẽ dùng khăn mới của Ban tế lễ và khăn của khách thập phương dâng cúng được thấm nước nấu bằng chín loại hoa thơm tinh khiết, vắt khô rồi lau lên cốt tượng. Sau đó là khoác lên cốt tượng bộ áo và mão mới, trang sức đẹp, quý giá. Hoàn thành nghi thức tắm Bà xong thì tấm màn nhung đỏ được kéo ra và lúc này mọi người vào lễ Bà trong không khí trang nghiêm, phấn khởi khi được diện kiến Bà vào thời khắc này và gửi gắm niềm tin, ước nguyện của mình đến Thánh Mẫu.
Tất cả được diễn ra trong sự thành tâm, trang trọng, tôn kính của cả người đang tiến hành nghi lễ lẫn cả người đang chứng kiến buổi lễ. Hương khói lan tỏa hòa quyện trong hương thơm của các loài hoa, nước hoa, cùng với lòng thành kính trong tâm thức của mỗi người đã tạo nên một không gian thiêng mầu nhiệm của buổi lễ tắm Bà. Còn bộ y phục cũ của Bà được cắt thành những mảnh nhỏ, đặt trang trọng các mảnh vải áo này vào phông bao giấy đỏ để làm lộc cho người dân.
Lễ Tắm Bà không chỉ là nghi thức tắm rửa, thay y áo mới cho tượng Bà mà còn là dịp để người dân thể hiện lòng thành với vị thần, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo bình an. Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và trang nghiêm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa – tâm linh độc đáo của người dân Nam Bộ.

Tin bài: Tuấn Hùng
Ảnh: Thanh Tùng