Visits: 5
Đối với người dân Nam Bộ, tục thờ Bà Chúa Xứ là một trong những tín ngưỡng cổ xưa đã thấm sâu vào tâm thức của cư dân vùng nông nghiệp. Ờ Châu Đốc, An Giang, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vốn là lễ hội truyền thống của dân làng Vĩnh Tế, với hình thức tín ngưỡng thờ Mẫu. Qua thời gian, “Bà Chúa Xứ núi Sam” đã vượt ra khỏi phạm vi làng để trở thành biểu tượng thiêng liêng, quyền năng của vị Thánh Mẫu, của Bà mẹ xứ sở che chở cho nhiều tộc người cùng sinh sống trên một vùng đất. Thế nên có thể thấy hội tụ ở Bà Chúa Xứ Núi Sam bóng dáng hình tượng Thánh Mẫu Ponargar của người Chăm, nữ thần Neang Khmau (Bà Đen) của người Khơme và Thiên Hậu của người Hoa. Lễ hội thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Chăm, Khmer.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch) hàng năm là lễ hội văn hóa dân gian lớn nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh trong đời sống tinh thần của nhân dân. Lễ hội tôn vinh Bà Chúa Xứ cũng là dịp người dân thể hiện sự tri ân, lòng tôn kính đối với Bà đã che chở cho nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
DIỄN TRÌNH LỄ HỘI
Trước đây, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam thực hiện theo các nghi lễ truyền thống. Từ năm 2001, lễ hội được nâng tầm thành lễ hội cấp quốc gia gồm phần lễ và phần hội, được tổ chức quy mô có sự tham gia của cộng đồng và du khách.
1/ Phần lễ:
* Lễ Phục hiện: Được tổ chức với ý nghĩa tái hiện bối cảnh rước tượng Bà từ Bệ đá Bà ngự trên đỉnh Núi Sam về Miếu Bà theo truyền thuyết chín cô gái đồng trinh đưa Bà xuống núi. Lễ Phục hiện được tổ chức vào lúc 15h00 ngày 22 tháng 4 âl với sự tham dự của hàng ngàn người dân địa phương và du khách. Đoàn rước làm lễ khai thủy tại Nhà Bia Liệt Sĩ phường Núi Sam, rồi lên núi thỉnh Thánh Mẫu về Miếu. Đây là một buổi lễ hoành tráng, sinh động, góp phần làm long trọng thêm cho Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam.
* Lễ Tắm Bà: Với ý nghĩa “tẩy trần” tượng Bà và thay trang phục mới. Lễ này được thực hiện sau bức màn che vào lúc 24h00 ngày 23 tháng 4 âl. Nước tắm Bà là loại nước thơm nấu từ các loại hoa thơm ngát, tinh khiết được lựa chọn kỹ càng. Sau khi tắm Bà xong thì tiến hành khoác lên bộ áo, mão đẹp nhất.
* Lễ Thỉnh sắc: Đây là lễ thỉnh Bài vị của danh thần Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân cùng Hội đồng từ khu Lăng mộ của ông về Miếu được tiến hành lúc 15h00 ngày 25 tháng 4 âl. Nghi lễ này nhằm tưởng nhớ công lao của ông Thoại Ngọc Hầu – vị danh thần có công lớn trong việc trấn giữ biên cương, mang lại sự bình yên cho cộng đồng. Ý nghĩa của lễ này phản ánh truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái từ thời kỳ khẩn hoang cho đến ngày nay.
* Lễ Túc Yết và Xây Chầu: Lễ Túc Yết là lễ dâng cúng lễ vật lên Bà gồm một con heo trắng, một dĩa mao huyết, mâm xôi, ngũ quả… Được tiến hành vào lúc 24h00 ngày 25 tháng 4 âl trong tiếng nhạc lễ và chiêng trống trỗi lên từng hồi. Lễ Xây Chầu được nối tiếp sau đó gồm các nghi thức như: dâng hương, chúc tửu, hiến trà, đọc văn tế…Xong phần lễ cúng, chương trình hát bội bắt đầu.
* Lễ Chánh Tế: Được thực hiện tương tự như Lễ Túc Yết nhưng đơn giản hơn. Lễ này được tiến hành vào lúc 4h00 ngày 27 tháng 4 âl.
* Lễ Hồi sắc: Được tiến hành vào lúc 15h00 ngày 27 tháng 4 âl, đưa bài vị của ông Thoại Ngọc Hầu, 2 vị phu nhân và Hội đồng trở về Lăng, kết thúc mùa lễ hội.
2/ Phần hội: gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi, hội diễn… bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Hội thi Trang trí và thả diều dân gian, Triển lãm ảnh chào mừng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, Giải Lân sư rồng, Diễn hành Lân Lễ Phục hiện, Văn nghệ chào mừng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam… Với những hoạt động thú vị trong Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam hàng năm đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách về tham dự lễ, cúng viếng.
Từ những giá trị cộng đồng làng xã đến giá trị giáo dục; giá trị sáng tạo văn hóa tinh thần; giá trị bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị kinh tế mà lễ hội mang lại cho cộng đồng, địa phương vô cùng to lớn nên cuối năm 2024, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể dại diện của nhân loại.
Do những giá trị quan trọng của lễ hội, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức và lòng tự hào của cộng đồng người dân, ý thức trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, thực hành và trao truyền giá trị của lễ hội giữ vững là một sản phẩm văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và khu vực./.
Bài: Minh Trang
Ảnh: Sĩ Nguyễn
Nguồn tham khảo: Kỷ yếu Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc – An giang