ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

LỄ CÚNG ÔNG PHÓ VỆ THỦY LÊ VĂN SANH

Visits: 13

      Vệ Thủy là tên một ngôi miếu nằm ở phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Tên gọi Vệ Thủy được lấy từ tên của một đội thủy binh của tỉnh An Giang thời nhà Nguyễn, từng tham gia chống Pháp trong những ngày đầu thực dân đến xâm lược đất An Giang. Miếu Vệ Thủy ngày nay là nơi người dân tôn thờ hai vị lãnh đạo của đội binh năm xưa, đó là Chánh đội trưởng Đỗ Đăng Tàu và Phó đội trưởng Lê Văn Sanh.

Vệ Thủy thần miếu (Ảnh Thu Hồng)

      Theo lời kể dân gian, hai ông là thanh niên giỏi võ nghệ, tinh thông chữ nghĩa và ở cùng làng lại có nhiều điểm giống nhau, nên hai ông sớm trở thành bạn thân từ thuở thiếu thời. Trưởng thành, hai ông cùng tham gia quân đội triều Nguyễn, ông Đỗ Đăng Tàu giỏi về thủy chiến nên được Tổng đốc An Hà phong làm Chánh đội trưởng đội thủy binh, ông Lê Văn Sanh là Phó đội trưởng. Hai ông chỉ huy một đội thuyền kiểm soát trên sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh An Giang, nhiều lần dẹp bọn thảo khấu trên sông nước, giữ an ninh giao thương đường thủy góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, giữ gìn an ninh biên giới. Năm 1842, đội thủy binh được phân công dàn trận dẹp loạn thổ phỉ ở vùng biên giới dọc kinh Vĩnh Tế thế là hai ông đã bày kế phục binh và thắng trận lập được công lớn vua Thiệu Trị sắc phong cho đội quân là Vệ Thủy binh.

      Khi đương chức, xét thấy vùng ngoại thành Châu Đốc còn hoang vu, hai ông cho đào một con mương để phục vụ cho việc tập kết chiến thuyền, lấy tên đội quân đặt cho tên mương là Vệ Thủy (ngày nay người dân gọi là mương Thủy, thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc). Đồng thời hai ông cũng tiến hành khai khẩn đất hoang lân cận mương Vệ Thủy thế là người dân đến sinh sống, lập nghiệp ngày càng đông hơn. Năm 1867, khi Pháp đánh chiếm An Giang, vì không muốn chiến thuyền rơi vào tay giặc, hai ông huy động lực lượng mang thuyền về giấu ở mương Vệ Thủy, ẩn lánh chờ thời cơ phục kích. Chẳng may sự việc bị bại lộ, hai ông cùng quân lính phải nhấn chìm thuyền và bí mật rút lui vào rừng Bảy Thưa. Khi đó, khu rừng này là bản doanh của nghĩa binh Gia Nghị chống Pháp, đội Vệ Thủy binh của hai ông Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh đã đầu quân dưới trướng chủ soái Quản cơ Trần Văn Thành.

      Nghĩa binh Gia Nghị được huấn luyện bài bản, tự rèn đúc vũ khí, được nhân dân t

iếp tế và những nghĩa sĩ tham gia mỗi lúc một đông. Đầu năm 1873, Pháp tổ chức càn quét lớn vào căn cứ, với tinh thần chiến đấu của quân sĩ rất cao nhưng lực lượng chênh lệch, vũ khí và tàu chiến của giặc hiện đại hơn, mặc dù chống trả ngoan cường tuy nhiên trước hỏa lực mạnh mẽ của địch, binh Gia Nghị bị đàn áp, rừng Bảy Thưa bị thiêu rụi. Quản cơ Trần Văn Thành cùng một số ít tàn quân rút sâu vào vùng núi, sau đó thì không ai còn thấy tung tích. Hai ông Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh cùng một nhóm quân ít ỏi khác cũng rút lui về căn cứ mương Vệ Thủy, sau đó âm thầm quay về làng cũ, khoác áo nông dân chờ đợi cơ hội mới.

      Nhưng thời cơ không đến, hai ông lần lượt qua đời trong nỗi buồn vong quốc. Ông Đỗ Đăng Tàu mất ngày 19 tháng 6 âm lịch, mộ ông ở chợ Xẻo Bún. Ông Lê Văn Sanh mất ngày 2 tháng 10 âm lịch, mộ ông ở chợ Tham Buôn. Người ta không nhớ chính xác hai ông mất năm nào, chỉ nhớ ngày tháng để làm lễ giỗ, hai địa danh nơi có phần mộ hai ông hiện nay đều thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới.

Biểu diễn nghệ thuật Lân Sư Rồng tại miếu Vệ Thủy (Ảnh Thu Hồng)

      Với lòng ngưỡng mộ và tôn kính công lao của hai vị chánh và phó đội binh Vệ Thủy đã cùng nhân dân địa phương khai phá vùng đất mới ở khu vực mương Vệ Thủy, thảo trừ bọn cướp bóc trên sông Hậu và miền biên giới Thất Sơn, tham gia khởi nghĩa Bảy Thưa hết lòng bảo vệ quê hương trong những ngày đầu bị xâm lược. Năm 1953, người dân vùng mương Vệ Thủy  lập ngôi miếu nhỏ đơn sơ bằng tre lá thờ hai ông, sau đó được trùng tu nhiều lần để có được diện mạo khang trang ngày nay.

Ngày 30/9/2020 miếu Vệ Thủy được công nhận là di tích cấp tỉnh.

      Hằng năm vào dịp mùng 1 và 2 tháng 10 âm lịch  người dân tổ chức lễ cúng để tưởng nhớ về ông. Nghi lễ giống như các đình làng Nam bộ, cũng có các nghi thức: Thỉnh Sắc, Túc yết, Chánh tế, Hồi Sắc…Ngoài ra Lễ hội kỳ yên miếu Vệ Thủy năm nay còn diễn ra Liên hoan Lân Sư Rồng trên Mai Hoa Thung với nhiều đội lân tham gia.

Các đoàn lân háo hức biểu diễn Liên hoan Lân Sư Rồng (Ảnh Thu Hồng)
Vệ thủy thần miếu được công nhận di tích cấp tỉnh (Ảnh Thu Hồng)
Chánh điện Vệ Thủy thần miếu (Ảnh Thu Hồng)

Thu Hồng

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.