Visits: 57
Mùa nước nổi – Mùa lũ về ở đồng bằng sông Cửu Long là một nét đặc trưng của thiên nhiên đối với vùng đất này. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, khi con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về hạ lưu, vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng nước rộng lớn mênh mông đậm màu phù sa.
Nước lũ ở miền Tây Nam Bộ không dâng đột ngột mà con nước lên chầm chậm, từ từ tràn vào đồng ruộng, vào những dòng sông, kênh rạch, xóm làng… tạo thành một vùng nước bao la theo phù sa và nguồn lợi thuỷ sản dồi dào.
Mùa nước nổi tạo điều kiện cho đất đai canh tác nông nghiệp vùng hạ lưu sông Mekong được nghỉ ngơi, rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh cho cây trồng nông nghiệp, cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho thổ nhưỡng. Và ngày thường, người dân là những người nông dân canh tác ruộng đồng, thì trong mùa nước nổi sẽ trở thành ngư dân tất bật chuẩn bị cho một mùa mưu sinh, canh tác trên con nước lớn.
Đem theo trong dòng nước lũ là các sản vật được thiên nhiên ban tặng vô cùng đa dạng, phong phú đã tạo tạo nên một nét ẩm thực, những món ăn đặc sắc. Nhắc đến mùa nước nổi là nhắc đến sự trù phú, đa dạng từ các loại thủy sản như cá linh, cá lăng, tôm, tép đến các loại rau kèm theo đặc trưng như bông điên điển, bông súng, hẹ nước, đến các loại rau mọc dại như rau mác, rau dừa, bông lục bình,… với đủ màu sắc từ vàng đến tím ngợp cả trời nước tạo nên nét đẹp đặc sắc nhưng vô cùng bình dị, dân dã.
Cá linh một sản vật đặc trưng của mùa nước nổi nơi đây, con cá bé xíu cứ nương theo con nước xuống hạ lưu mà lớn dần. Cá linh non đầu mùa xương mềm, cá linh già có nhiều mỡ, thịt béo, các món chế biến từ cá linh như lẩu cá linh bông điên điển, cá linh kho ăn kèm bông súng, bắp chuối; mắm kho cá linh; cá linh nhúng giấm cuốn bánh tráng ăn kèm với búng và các loại rau sống…
Bên cạnh đó, có một loài hoa với sắc vàng nổi bật giữa vùng nước mênh mông là bông điên điển, cũng là cái tên quen thuộc mà người ta sẽ nhớ đến khi mùa về, điên điển cũng là một nguyên liệu chế biến nên các món ăn của mùa nước như điên điển xào tép, bánh xèo bông điên điển, gỏi bông điên điển, …. và theo dòng nước thượng nguồn tôm, tép, cá lóc, cá trèn hay các loại thủy hải sản khác như: cua, ếch, lươn, ốc,… cũng trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Chỉ với vài nguyên liệu quen thuộc nhưng khi qua tay của người dân miền Tây đã biến tấu tạo nên những món ngon đặc sắc, dân dã. Đến với miền Tây nói chung và An Giang nói riêng vào mùa nước nổi, bên cạnh phong cảnh hữu tình, những trải nghiệm độc đáo lêng đênh trên sông nước thì việc nếm thử món ăn đặc sản miền sông nước là đều không thể bỏ qua đối với du khách lần đầu trải nghiệm cảm giác này.
Bài: Kim Ngọc
Ảnh: sưu tầm