ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

PHONG TỤC TẠ LỄ CUỐI NĂM

Visits: 55

Theo quan niệm dân gian, đầu năm du khách sẽ đến các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh để cúng viếng, mong cầu sức khỏe, tài lộc, công danh, kinh doanh hanh thông, những điều tốt đẹp…thì cuối năm là dịp để quay lại tạ lễ. Lễ tạ cuối năm như là nghi thức tạ ơn, được xem là một nét đẹp văn hóa, thể hiện lòng biết ơn, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân đối với các vị thánh, thần.

Dù cuối năm công việc bộn bề nhưng người ta vẫn cố gắng thu xếp về đình, đền, miếu… để làm lễ tạ. Bởi vậy, bắt đầu vào tháng chạp âm lịch, ở các cơ sở tín ngưỡng tâm linh thường tấp nập du khách. Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – An Giang cũng như vậy, lượng khách hành hương đến tạ lễ xuyên suốt ngày đêm. Lễ vật tạ ơn không nhất thiết là mâm cao cỗ đầy, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, quan trọng là tâm thành của mình.

Sau khi tạ lễ Bà chúa xứ thì du khách thường tham quan, chiêm bái các di tích, cơ sở tín ngưỡng tâm linh khác trong Khu du lịch quốc gia Núi Sam như: Chùa Tây An, Chùa Hang, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Huỳnh Đạo, chùa Long Sơn, chùa Linh Sơn… Còn một địa điểm đặc biệt mà khá đông du khách thăm viếng là di tích Bệ đá Bà ngự năm xưa trên đỉnh Núi Sam. Đứng ở đây, du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc yên ả, hữu tình, tận hưởng không khí trong lành, cảm thấy lòng mình được an yên, nhẹ nhàng.

Tuy phong tục giữa các vùng, miền có khác nhau nhưng việc tạ lễ cuối năm đã trở thành thói quen, nét văn hóa tâm linh của người Việt với mong muốn tri ân, gạt bỏ những ưu tư của năm cũ để chuẩn bị chào đón một năm mới an lành, tốt đẹp./.

Một số hình ảnh du khách đến cúng tạ lễ Bà

Công tác trang trí cảnh quan đón Tết

Công tác trang trí cảnh quan đón Tết

Công tác trang trí cảnh quan đón Tết

Minh Trang

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.