Visits: 1587
An Giang thuộc miền Tây Nam Bộ và có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sông nước mênh mông, có hai con sông chạy qua đó là sông Tiền và sông Hậu. Sở hữu diện tích tương đối lớn, núi non kỳ vĩ, đồng ruộng bao la. An Giang không chỉ có thiên nhiên thơ mộng mà còn có những di tích kiến trúc lịch sử, những điểm du lịch tâm linh.
Cùng với đó các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh An Giang là nơi lưu dấu các giá trị văn hóa, dân tộc. Kết tinh nét đẹp, đặc sắc hướng tới mục đích là chân, thiện, mỹ. Mang ý nghĩa đặc biệt có sức lan tỏa, đậm nét của vùng đất An Giang. Sau đây là các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh An Giang đã được công nhận:
- Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã trở thành thông lệ và có phạm vi tác động rất lớn, lan xa, thỏa mãn nhu cầu tâm linh củng cố đức tin trong cuộc sống, làm phong phú thêm đời sống, tinh thần của con người. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã trở thành ngày lễ lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng sông nước Nam Bộ, thu hút hàng triệu lượt du khách trong, ngoài nước đến hành hương, chiêm bái.
Lễ hội còn chứa đựng những dấu ấn lịch sử giai đoạn người Việt đến vùng đất An Giang. Đây là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu văn hóa, chính trị, kinh tế với người Hoa, Khmer, Chăm. Thông qua Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam góp phần gắn kết với đời sống tinh thần của người dân Châu Đốc.
Sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng trong Lễ hội là di sản đã, đang được trao truyền, thực hành từ đời này qua đời khác, là niềm tin, bản sắc của người dân vùng núi Sam nói riêng và tỉnh An Giang, các tỉnh trong khu vực nói chung.
Hoạt động lễ hội này diễn ra với những nghi thức chính là: Lễ phục hiện rước tượng Bà, lễ tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu, lễ Túc yết và lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.
Năm 2014, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ trao bằng công nhận của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch
“Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”
- Hội đua bò Bảy Núi
Hội đua bò Bảy Núi là nét đặc trưng riêng biệt của tỉnh An Giang, là một dạng lễ hội nông nghiệp độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ ở vùng Bảy Núi. Ngày hội thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào Khmer vùng núi huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.
Lễ hội đua bò của đồng bào Khmer
Hoạt động này cũng tạo không khí vui tươi phấn khởi, mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện quá trình liên kết cộng đồng, trở thành một sự kiện văn hóa, một dạng thể thao đại chúng gần gũi với phum sóc, trở thành một nhu cầu văn hóa của đồng bào Khmer.
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL đưa “Hội đua bò Bảy Núi – An Giang” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc Khmer.
Kinh lá buông
Kinh lá buông chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer. Kinh lá buông tuy là một bản thảo viết trên lá nhưng chứa đựng nội dung khoa học về giáo lý tôn giáo, triết học, kiến trúc, thiên văn học rất sâu sắc… Kinh lá buông ghi lại mọi khía cạnh về đời sống xã hội, văn hóa và tôn giáo của dân tộc Khmer.
Năm 2017, “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang” thuộc loại hình tri thức dân gian được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Lễ hội Kỳ Yên đình thần Thoại Ngọc Hầu
Công bố “Lễ hội Kỳ Yên đình thần Thoại Ngọc Hầu” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ Kỳ yên tưởng nhớ Danh thần Thoại Ngọc Hầu – một danh tướng của triều Nguyễn. Ông là người trung thực, cần mẫn, chủ trương thực hiện việc đào kênh, đắp lộ, khai hoang lập làng, bảo vệ biên giới với nhiều công trình nổi tiếng là người có tâm và có tầm với cái nhìn chiến lược, có ý chí kiên định và là người tài đức vẹn toàn. Ngoài vai trò là một danh tướng, nhà quản lý hành chánh, nhà văn hóa và ngoại giao giỏi, ông còn là một người con luôn nặng tình với nhân dân, với quê hương, Thoại Ngọc Hầu là người có công lớn đem lại sự trù phú cho vùng đất An Giang như hôm nay.
Đình thần Thoại Ngọc Hầu là một ngôi đình gắn với quá trình di dân, khai hoang lập ấp vùng đất Thoại Sơn xưa và nay, phần nghi lễ vẫn luôn được đảm bảo theo lễ nghi truyền thống. Lễ hội Kỳ Yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu gồm các lễ chính: lễ Nghinh thần, Lễ Túc yết, lễ Xây chầu, Lễ Đại bội, Lễ Chánh tế.
Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2947/QĐ-BVHTTDL ngày 16/10/2020.
- Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Islam thị xã Tân Châu và huyện An Phú.
Lễ trao bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Islam huyện An Phú” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang là lối sống, thói quen được hình thành qua nhiều thế hệ, được công nhận như một phần trong nếp sống của cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang, bao gồm các nghi lễ trong giai đoạn sinh, trưởng thành và qua đời.
Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang có giá trị lịch sử, cộng đồng và bảo tồn văn hóa truyền thống. Nghi lễ còn chứa đựng nhiều lớp văn hoá khác nhau, văn hoá nội sinh, ngoại sinh được tích hợp, tiếp biến trong tiến trình lịch sử di cư, hình thành nên sắc thái văn hoá riêng, góp phần làm đa dạng và phong phú những đặc trưng văn hóa và con người An Giang.
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đưa Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam huyện An Phú vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
- Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu.
Buổi lễ Công bố quyết định ghi danh nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang có truyền thống lâu đời, đã từng có một thời gian dài phát triển hết sức thịnh vượng. Vào thời kỳ thịnh vượng, hầu như gia đình người Chăm ở đây cũng có khung để dệt thổ cẩm sử dụng trong gia đình và dùng làm hàng hóa trao đổi với các địa phương khác.
Với sự đa dạng, phong phú trong hoa văn và lựa chọn cách ăn mặc, phụ nữ người Chăm đã tạo ra những nét riêng trong cách bài trí trang phục, kỹ thuật dệt thổ cẩm có những đặc trưng riêng biệt của người Chăm ở An Giang không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào.
Không chỉ độc đáo ở kỹ thuật, sáng tạo của con người, mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa và lịch sử người Chăm nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
- Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê của người Khmer xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn.
Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh nghệ thuật sân khấu dì kê của người Khmer xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của cộng đồng Khmer. Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian kết hợp âm nhạc, ca kịch, tích hợp múa, đọc thơ.
Không chỉ hàm chứa giá trị nghệ thuật đặc sắc mà còn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tri Tôn, tạo nên nét lịch sử văn hóa đặc thù cho vùng đất này chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa truyền thống và gắn kết cộng đồng.
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 160/QĐ-BVHTTDL về việc công bố đưa Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê của người Khmer tỉnh An Giang vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thu Hồng