ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

Kênh Vĩnh Tế – kênh đào lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Visits: 59

         Kênh Vĩnh Tế là một con kênh chảy qua địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được đào song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay, là một trong những kênh đào lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Kênh Vĩnh Tế (Ảnh: sưu tầm)

          Sau khi đào xong kênh Thoại Hà vào năm 1818, Thoại Ngọc Hầu tổ chức đào kênh Vĩnh Tế chạy dọc theo biên giới từ Châu Đốc, một nhánh của sông Hậu, vào sông Giang Thành chảy qua Đông Hồ thoát ra biển Đông dài hơn 90 cây số. Kênh dài 87 km, độ rộng trung bình 30 m, độ sâu trung bình khoảng 2,55 m. Trừ những đoạn sông rạch sẵn có, phần kênh phải đào mới là 37 km. Kênh khởi đào vào năm 1819, huy động khoảng 80.000 nhân công nhưng bị gián đoạn nhiều lần do nước lụt, dịch bệnh nên đến năm 1824 mới xong.

          Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh. Bà Châu Thị Tế, vợ Thoại Ngọc Hầu thuộc dòng họ Châu Vĩnh, vì công lao giúp chồng đào kênh, cũng được vua đặt tên kênh.

Kênh Vĩnh Tế được khắc trên Cửu đỉnh ở nội thành Huế (Ảnh: sưu tầm

          Theo tác giả Nguyễn Văn Hầu trong sách Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, quan trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) là người trực tiếp chỉ huy việc đào kênh Vĩnh Tế. Để làm cho con kênh được thẳng, người xưa đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây “sào lửa” ấy cho thật ngay hàng, nhóm thợ cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí.

          Công cuộc đào kênh rất gian khổ, có những đoạn gần chân núi, đất toàn đá sỏi, phải dùng thuổng sắt lưỡi dày dùng vồ đóng xuống để đào. Có nhiều vụ do buồn ngủ vì phải làm đêm, những người thợ lạc tay đập chày vồ vào đầu nhau mà chết. Ngoài ra còn nạn cọp rình bắt người, rắn độc nhiều, bệnh tật, nhiều người đã bỏ trốn.

Mộ của những người đã hy sinh trong công cuộc đào kênh Vĩnh Tế (Ảnh: sưu tầm)

          Đối với những người đã chết trên công trường, sau này triều đình ban sắc chỉ quy tập hài cốt của những dân binh đã chết khi thừa hành công việc đào kênh. Trong quyển Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang có đoạn viết: “Công việc bốc mộ phải đi thuyền tìm kiếm từ vàm kênh ở hữu ngạn Hậu Giang (Châu Đốc) đến ngã ba Giang Thành gần 100 cây số… ít nhất cũng phải bốn, năm chục (ngôi mộ)”. Thoại Ngọc Hầu khi đó đã quy tập hài cốt của các dân binh xấu số vào một địa điểm gọi là “nghĩa trủng” được đặt ngay trong khuôn viên lăng Thoại Ngọc Hầu. Ngày nay, trong khuôn viên Lăng Thoại Ngọc Hầu, ở nội vi lăng với 17 ngôi mộ và ngoại vi lăng có 55 ngôi mộ, đây là những ngôi mộ của các cận thần, thân tộc và người đã chết trong công cuộc đào kênh Vĩnh Tế được gọi là nghĩa trũng. Ngoài ra còn có bảng văn tế nghĩa trủng do Thoại Ngọc Hầu cho soạn theo lịnh vua, để ông đọc trong buổi lễ tế các chiến sĩ, những người đã bỏ mình trong công tác đào kênh Vĩnh Tế.

          Trích bản dịch:

…Đào kinh trước, mấy kỳ khó nhớ

Khoác nhung y chống đỡ biên cương.

Xông pha máu nhuộm chiến trường

Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này

Quê cách trở, lấy ai hộ tống,

Sống làm binh, thác chống quỷ ma.

Than ôi, ai cũng người ta,

Mà sao người lại thân ra thế này?…

          Thế mới biết khi đào kênh Vĩnh Tế, người xưa đã phải trả giá bằng biết bao sinh mạng dân binh, bằng sự cực khổ, mồ hôi nước mắt trên công trường để có được công trình lịch sử phát huy công dụng to lớn cho đến tận ngày nay.

Giá trị giao thương của kênh Vĩnh Tế (Ảnh: sưu tầm)

          Dù đã trãi qua 200 năm, nhưng con kênh vẫn còn giữ nguyên những giá trị to lớn. Kênh không chỉ mang nước ngọt kèm phù sa vun đắp cho ruộng đồng An Giang, mà còn cho cả vùng tứ giác Long Xuyên và toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Ngoài vai trò chiến lược quốc phòng, kênh Vĩnh Tế còn là tuyến đường thủy huyết mạch giao thương hàng hóa từ thành phố Châu Đốc đến thành phố Hà Tiên, hàng hóa nước ngoài từ đó cũng thuận tiện vào Việt Nam.

                   Nguồn: Châu Đốc di tích thắng cảnh và đặc sản

                             Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang

                                                                                Nguồn: Châu Đốc di tích thắng cảnh và đặc sản 

Bài: Trúc Đào

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.