Visits: 97
KỲ 3: NHỮNG KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO Ở NÚI SAM
Ngoài các điểm di tích được công nhận cấp quốc gia, ở Núi Sam còn có một số điểm tham quan rất nổi tiếng và hấp dẫn.
CHÙA HUỲNH ĐẠO
Huỳnh Đạo – một ngôi chùa đẹp tọa lạc phường Núi Sam, có không gian thoáng rộng, được thiết kế theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông, đồ sộ và mỹ thuật với nhiều hạng mục qui mô như: khu chánh điện, hậu tổ, hồ Cửu Long Tụ Phúc, Quan Âm Các, khu phục vụ cơm chay, nhà khách, hoa viên…
Toàn cảnh chùa
Hồ Cửu Long Tụ Phúc
Quán Âm Các
Quán Âm Trúc Lâm Viên
Đi vào khuôn viên chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo đó là Quán Âm Trúc Lâm Viên với 32 tượng hóa thân Quán Âm, tượng Dược Vương Quán Âm và núi đá cao 18m. Công trình Quán Âm Trúc Lâm Viên mang nét đẹp văn hóa của Phật giáo góp phần làm nên hình ảnh của khu du lich tâm linh Núi Sam muôn màu, muôn vẻ.
BỆ ĐÁ BÀ NGỰ
Bệ đá Bà ngự trên đỉnh Núi Sam gắn với truyền thuyết cách nay khoảng 200 năm, là nơi tượng Bà Chúa Xứ từng ngự, trước khi được thỉnh xuống núi và lập miếu thờ như ngày nay. Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m. Bệ đá là một loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, nguồn gốc không phải ở địa phương.
Bệ đá Bà Ngự
Bệ đá này luôn được bảo vệ như một di tích thiêng liêng và đã được Ban Quản Trị Lăng Miếu Núi Sam cất ngôi nhà mát rộng để che nắng mưa cho bê đá và dựng bia ghi dấu di tích vào năm 1993.
Đến năm 2022, Ban Quản Trị Lăng Miếu Núi Sam đã cho trùng tu, xây dựng quy mô hơn, khang trang hơn nhằm nâng cao nhận thức, phát huy các giá trị di tích đồng thời công trình còn có ý nghĩa phục vụ phát triển du lịch của địa phương.
CHÙA LONG SƠN
Chùa Long Sơn nằm trên đường lên đỉnh Núi Sam, được xây dựng lần đầu tiên năm 1955 do vị ni sư Diệu Chánh làm trụ trì. Năm 2006, nhận thấy đã đủ duyên lành để phát triển chùa Long Sơn nên thầy trụ trì đời thứ 3 đại đức Thích Huệ Tâm đã trùng tu lại chùa. Trãi qua hơn 15 năm, nhờ sự phát tâm đóng góp của các Phật tử nên chùa mới có diện mạo khang trang như ngày nay.
Cổng vào chùa
Chánh điện
Khung cảnh yên bình sau chùa
Chùa có kiến trúc đẹp, cổ kính với nhiều tượng Phật, Bồ Tát uy nghi, tự tại như đang nhìn bao quát thế gian và khuôn viên rộng rãi, thoáng mát cùng với không gian yên tĩnh, không khí trong lành tạo cho khách thập phương một cảm giác an yên, thanh tịnh khi đến đây. Thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân vọng giữa núi khiến lòng du khách lâng lâng khó tả.
Đặc biệt phía sau chùa, du khách có thể ngắm bình minh, hoàng hôn và nhìn toàn cảnh cánh đồng lúa rộng |lớn và Victoria Núi Sam Lodge, xa xa bên dưới là con kênh Vĩnh Tế trải dài theo năm tháng lịch sử. Ngoài ra nơi này có mỏm đá cao và 1 pháo đài nhỏ bằng đá là địa điểm check-in lý tưởng của các bạn trẻ.
ĐÌNH VĨNH TẾ
Đình Vĩnh Tế là công trình kiến trúc cổ nằm trong cụm di tích danh thắng Núi Sam. Đình được xây dựng từ đầu những năm giữa thế kỷ XIX.
Đình Vĩnh Tế gồm có chính điện, võ qui, Đông lang, Tây lang. Ngoài ra còn có cổng và hàng rào. Sân đình có các miếu thờ Thần nông, Bạch mã-Thái giám, Ngũ hành và Sơn quân. Tất cả tạo nên một tổng thể kiến trúc cân đối hài hòa, phù hợp với nét cổ kính của cảnh quan di tích.
Toàn cảnh Đình Vĩnh Tế
Bên trong đình
Lễ thỉnh sắc
Nội thất đình Vĩnh Tế được trình bày đẹp mắt bởi hệ thống các tác phẩm nghệ thuật, các bộ bao lam thành vọng, hoành phi, liễn đối. Các bộ bao lam thành vọng được chạm lộng sắc xảo các chủ đề tứ linh, tứ quí,… Các khánh thờ được chạm khắc cầu kỳ các loài chim thú quí, hoa thiêng cỏ lạ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật dù chạm hay khắc đều được sơn son thếp vàng, vừa khẳng định giá trị thẩm mỹ trong kỹ thuật chế tác vừa tạo nét uy nghiêm cho không gian thờ tự.
Chánh điện ở giữa thờ ông Thoại Ngọc Hầu, hai bên thờ Tả ban, Hữu ban; Tiền hiền, Hậu hiền; Tiền hương chức, Hậu hương chức…Có 2 lễ cúng chính trong năm gồm: Lễ Kỳ yên (14-16/8 âl); lễ Lạp miếu (25/12 âl).
Năm 2022, Đình Vĩnh Tế được UBND tỉnh An Giang xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Minh Trang