Visits: 14
Miền Tây sông nước với sự ưu đãi của thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái thực vật phong phú với những loại cây gắn liền với đời sống của người dân nơi đây, trong đó có cây bần – loại cây sinh sống và phát triển mạnh ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới là loại quả dại mọc ở ven sông vùng Nam bộ, trái bần cũng là một đặc sản quý giá mà thiên nhiên đã dành tặng cho vùng đất này.
Bông bần
Nét riêng biệt và tiêu biểu của trái bần là có vị vừa chua, vừa chát. Khi chín mềm, nhiều nước hơn, bần chua sẽ rụng xuống sông rạch. Trái bần khi chính cũng là một nguyên liệu chế biến món ngon độc đáo tuyệt vời mang nét đặc trưng không giống bất cứ nơi đâu của người miền Tây Nam bộ. Trái bần có thể dùng để chế biến nhiều món ăn như: Món canh chua trái bần vị chua rất thanh đặc trưng và thơm khác hẳn với vị chua của me hay giấm; cá kho bần, mứt trái bần; lẩu bần trái…
Trái bần
Bần chua còn dùng để ăn sống chấm kèm với các loại mắm như: mắm cá sặc, mắm cá linh, mắm cá lóc, mắm tép… hoặc với muối ớt. Cái vị chua chua, chát chát của bần cộng với vị mặn nồng của các loại mắm cá đồng, thêm ít lát ớt để có vị cay hòa quyện tạo nên hương vị thơm ngon quyến rũ tuyệt hảo, khó mà tìm thấy được ở các loại trái ăn kèm khác.
Nói tóm lại, các món dân dã từ trái bần quá đỗi quen thuộc vì mang mùi vị quê hương vẫn còn xao xuyến mỗi người con khi xa nhà. Bần đã trở thành loại trái đặc sản mang đậm dư vị vùng miền là một lựa chọn hấp dẫn cho bữa cơm gia đình, ấy vậy mà ngon vị vô cùng. Hương vị của trái bần, mang màu sắc “hương đồng cỏ nội” những món ăn đậm đà, dân dã hòa quyện với tình đất, tình người miền Tây làm đắm say biết bao lữ khách.
“Muốn ăn mắm sặc bần chua. Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”.
Thu Hồng