Visits: 90
Thành phố Châu Đốc – nơi tiếp giáp giữa sông Hậu và sông Châu Đốc, là hai trong số những nhánh sông nổi tiếng của hệ thống sông Mêkông với trữ lượng thủy sản vô cùng phong phú .
Thiên đường Khô chợ Châu Đốc (Ảnh: Quang Thoại)
Giáp với biên giới Việt Nam – Campuchia, Châu Đốc là thành phố có sự pha trộn văn hóa Việt – Hoa, Chăm – Khmer, sự pha trộn này không chỉ phản ánh trong kiến trúc, văn hóa, lối sống mà còn vô cùng rõ nét trong ẩm thực. Không chỉ nổi tiếng là “vương quốc mắm”, Châu Đốc còn được nhiều người biết đến với các loại khô đặc sản có giá trị. Trong đó phải kể đến các loại khô như khô cá tra phồng, khô cá lóc, khô cá sặc, khô nhái, khô bò,…
Khô cá tra phồng
Khô cá tra phồng (Ảnh: sưu tầm)
Trong các loại khô đặc sản của vùng Châu Đốc, khô cá tra phồng được người dân địa phương và du khách ưa thích hơn cả. Nguyên liệu để làm nên loại khô phồng này phải là cá tra tươi, được nuôi theo quy trình chuẩn, đây là điều kiện bắt buộc để cho ra một sản phẩm ngon và chất lượng; cá sau khi làm sạch, ngâm muối, phơi thủ công, đủ nắng, theo công thức riêng cho từng mẻ cá, thịt cá không quá khô, mềm, săn chắc, màu vàng tươi, có mùi thơm đặc trưng tự nhiên. Để chế biến món khô này nên ngâm khô với nước sạch từ 30 – 40 phút, để ráo, sau đó chiên giòn hay chiên giấm đường đều rất ngon. Sở dĩ có tên gọi là khô cá tra phồng là vì sản phẩm được làm bằng con cá tra sấy đem đi phơi khô, khi chiên lớp da cá phồng lên, trông rất ngon mắt. Hiện nay, khô cá tra phồng không chỉ được tiêu thụ nhiều trong nước mà còn đang mở rộng xuất khẩu ra nhiều thị trường ngoài nước.
Khô cá lóc
Khô cá lóc (Ảnh: Phương Ngoan)
Cá lóc là loại cá phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong đó có An Giang. Có rất nhiều món ngon được làm từ cá lóc như cá lóc nướng trui, cá lóc kho tộ, canh chua cá lóc, cá lóc hấp bầu… Ngoài chế biến các món ăn thông thường như: canh chua, nướng trui, kho tộ,… cá lóc còn được phơi khô để làm thành khô cá ăn quanh năm. Khô cá lóc có thể chiên hoặc nướng ăn với cơm nóng hoặc làm món nhậu cho các quý ông đều rất tuyệt. Ngoài ra, khô cá lóc còn được dùng để trộn gỏi như gỏi sầu đâu, gỏi xoài, gỏi cóc,… Khô cá lóc có vị ngọt, thơm kết hợp cùng các loại rau quả… tạo nên hương vị đậm đà cho món gỏi dân dã.
Khô các sặc
Khô các sặc (Ảnh: sưu tầm)
Cá sặc rằn hay còn gọi là cá sặc bổi, miền Tây với điều kiện sinh thái rất thuận lợi cho tảo và phù du phát triển và đây củng chính là nguồn thức ăn chính của cá sặc vì thế ở Miền Tây thì loài cá này ăn rất ngon và thịt lại rất ngọt. Cá sặc sinh sản nhiều nhất vào mùa mưa, lượng cá tươi nhiều ăn không hết nên người dân nghỉ ra cách bảo quản phơi khô để ăn quanh năm. Khô các sặc được chế biến từ 100% cá tươi tự nhiên nên thịt béo, thơm rất đặc trưng, sau khi làm sạch, tẩm ướp gia vị và đem phơi đủ nắng nên chất lượng khô rất đảm bảo. Món khô này rất dễ ăn vì có thể nướng hoặc chiên vàng rồi xé nhỏ ăn với cơm hay đen trộn gỏi với sầu đâu, xoài hay dưa leo đầu rất ngon. Chỉ đơn giản là vậy nhưng vị ngon, béo béo, bùi bùi của khô cá sặc thì rất khó tả.
Khô nhái
Khô nhái (Ảnh: sưu tầm)
Khô nhái được người miền Tây gọi với những cái tên mỹ miều là “vũ nữ chân dài”, “kiều nữ đại gia” hay “cô gái chân dài”. Loại khô này nổi tiếng ở các tỉnh miền Tây và được bày bán nhiều ở vùng Châu Đốc – An Giang. Để làm nên món khô nhái thì người thợ phải chọn những con nhái nhỏ nên chính vì vậy khâu chế biến rất tốn thời gian. Có thể chế biến món “vũ nức chân dài” bằng cách chiên không với dầu già để chấm mắm me hoặc chiên chua ngọt với tỏi phi thơm, hành tây. Khi chiên, khô nhái sẽ rất thơm và vàng ươm, phần thịt vốn chắc dai lại thêm nhai luôn cả xương giòn rụm khiến thực khách không thể chối từ. Món này dùng cùng cơm nóng và nhâm nhi xị rượu đế thì quá tuyệt vời. Thực ra, “vũ nữ chân dài” mỹ miều nhưng cách thưởng thức lại vô cùng dân dã, mộc mạc. Có lẽ, dù có vẻ đẹp sang chảnh thì khô nhái vẫn muốn giữ chất đồng quê thuần túy trong mình.
Khô bò
Khô bò (Ảnh: sưu tầm)
Đến chợ Châu Đốc, du khách sẽ được nghe nhiều lời mời mua khô bò đặc sản xứ này. Có thể nói khô bò Châu Đốc đã trở thành thương hiệu và được rất nhiều du khách tìm mua khi du lịch đến đây. Khô bò Châu Đốc có 3 loại: loại thứ nhất có màu vàng cứng và giòn, loại thứ hai có màu nâu sẫm cứng nhưng không giòn và loại thứ ba có màu nâu xốp, giòn và dẻo. Mỗi loại đều có hương vị và cái ngon riêng, không lẫn vào đâu được. Khô bò xứ Châu Đốc còn là món ngon hấp dẫn trong các bữa tiệc, liên hoan,… dùng làm món khai vị trước khi nhập tiệc. Đặc sản khô bò Châu Đốc được tặng Huy chương tại Hội chợ Giảng Võ Hà Nội và nhiều năm liền được Ủy ban khoa học kỹ thuật An Giang công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cao với quy trình sản xuất hiện đại, hợp vệ sinh.
Ngoài các loại khô có giá trị cao, Châu Đốc còn bán nhiều loại khô dân dã như khô cá chạch, khô cá chốt, khô cá lòng tong, khô cá trèn… Nếu đang thắc mắc không biết Châu Đốc có đặc sản gì để mua về làm quà thì du khách có thể lựa chọn các loại khô vừa giới thiệu trên đây. Đây sẽ là món quà rất thiết thực và ý nghĩa cho gia đình, người thân của du khách.
Trúc Đào