Visits: 26
Nhân dịp chào mừng Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh chủ tịch Tôn Đức Thắng – nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người con ưu tú của quê hương An Giang. Bản thân có dịp tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và những đức tính cao đẹp của chủ tịch Tôn Đức Thắng – Người được nhân dân kính trọng gọi là “Bác Tôn”.
Du khách dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Ban Tuyên giáo Thành ủy Long Xuyên tổ chức hội thi “Tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị, đều là những nông dân cần cù, hiền lành, chất phác.
Thời thơ ấu, Bác Tôn được gia đình cho học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Truyền thống quê hương và những tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp của nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đốc Binh Kiều… đã khơi dậy lòng yêu nước, thương dân, nỗi đau của người dân mất nước. Bác Tôn đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Năm 1907, Bác Tôn lên Sài Gòn với ý định học việc và thực hiện hoài bão cuộc đời. Vốn thông minh, có tính độc lập cao, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người, Bác đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị. Trên 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Bác Tôn vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta cùng nhiều Huân chương, danh hiệu và các phần thưởng cao quý khác.
Chúng ta thế hệ trẻ ngày nay cũng như cán bộ, đảng viên phải học tập và noi gương những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức ở Bác Tôn để xứng đáng là người con của vùng đất giàu truyền thống cách mạng như:
Thứ nhất, tấm gương của người chiến sỹ cộng sản yêu nước, kiên trung bất khuất trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, dù phải hy sinh thân mình cho sự nghiệp của dân tộc. Suốt cuộc đời của Bác Tôn luôn hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời của Bác Tôn thật sự là một tấm gương phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động.. Trong suốt hai cuộc kháng chiến ác liệt, với những khó khăn, gian khổ vẫn không lay chuyển được ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do đất nước để hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Lý tưởng đó được Bác Tôn theo đuổi trong suốt cuộc đời của mình.
Từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Bác Tôn, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta hôm nay luôn nêu cao ý chí cách mạng kiên cường, không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; suốt đời học tập, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn để xây dựng quê hương ngày càng phồn thịnh. Trong thực hiện nhiệm vụ thì năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm công nhân vùng mỏ Quảng Ninh năm 1975
Thứ hai, Bác Tôn – Người tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của Bác Tôn và được thể hiện ngay cả trong lúc bị thực dân Pháp giam cầm. Bác Tôn đã khéo léo giáo dục, cảm hóa các bạn tù và tổ chức phân công lại công việc. Đồng thời, tổ chức ra Hội cứu tế tù nhân để chăm sóc người ốm và san sẻ công việc nặng nhọc. Nhờ đó, không khí đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau đã thay thế bạo lực, thù hằn, độc ác; khởi đầu cho việc đoàn kết tập hợp lực lượng, tổ chức tù nhân thành đội ngũ sẵn sàng đấu tranh khi có lệnh. Dưới sự lãnh đạo của Bác Tôn khối đại đoàn kết dân tộc đã thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay, cán bộ, đảng viên học tập theo tinh thần xây dựng “đại đoàn kết dân tộc” của Bác Tôn, chúng ta phải áp dụng vào thực tiễn bằng cách đoàn kết từ trong nội bộ của Chi bộ, đơn vị và quần chúng nhân dân. Đoàn kết từ việc thống nhất thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cho đến việc giúp đỡ đồng chí, đồng đội của mình cũng như là biết thương dân, trọng dân, gần dân gắn liền với tinh thần phục vụ nhân dân để mỗi người dù là cán bộ hay người dân thường thì đều được tôn trọng để cùng nhau chung tay xây dựng đất nước, địa phương ngày càng phát triển.
Tượng đài Bác Tôn ở thành phố Long Xuyên
Thứ ba, Bác Tôn – Một nhân cách sáng ngời về đức tính khiêm tốn, giản dị và sống nghĩa tình. Đức tính khiêm tốn, giản dị ấy là phong cách không hề thay đổi của Bác dù ở cương vị nào. Trước khi vào học trường Bá Nghệ, Bác Tôn đã có tay nghề thành thạo; Bác thường xuyên chăm sóc, giúp đỡ các anh em khác trong lớp, trong trường; Bác tận tâm chỉ dạy anh em học chung từng li từng tí, nhằm tránh những sai sót hư hỏng. Khi là người lãnh đạo, Bác vẫn ăn những món ăn giản dị nơi quê nhà, mặc những bộ quần áo bình thường, ghét xa hoa lãng phí. Nhắc đến Bác mọi người thường nhớ hình ảnh về một ông cụ thường sửa, ráp, lau xe đạp, mài món này, dũa món kia… Năm 1975, Bác mới có dịp trở về thăm quê nhà ở cù lao ông Hổ, vẫn như ngày nào rất giản dị, khiêm tốn trong từng lời nói, cử chỉ và hành động của người con vùng miền sông nước Nam Bộ, sau bao năm xa cách, Bác vẫn giữ nguyên cốt cách ấy. Khi trò chuyện Bác rất đổi chân tình mộc mạc, bình dị bởi thế Bác rất được bà con cô bác đón chào rất nồng nhiệt và rất quyến luyến khi chia tay.
Là một cán bộ, đảng viên chúng ta phải học tập, tu dưỡng theo đức tính ấy dù trong công việc hay đời tư cá nhân. Chúng ta phải rèn luyện tính khiêm tốn, giản dị để trở thành thói quen, nếp sống trong tất cả các mối quan hệ, trong mọi hoạt động, giao tiếp và ứng xử hàng ngày. Chúng ta phải kiên trì và quyết liệt chống mọi thói hư tật xấu, phải vững vàng để vượt qua những cám dỗ của quyền lực và danh vọng để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.
Ngày nay, tuy Bác Tôn đã đi xa nhưng những tấm gương, đức tính của Bác vẫn sáng ngời cao đẹp để thế hệ trẻ chúng ta ngày nay học tập và noi theo. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước cùng với việc phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhân dân An Giang, chúng ta càng phải cố gắng hết sức, phấn đấu hơn nữa để vược qua mọi khó khăn, thử thách để tích cực xây dựng quê hương của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, thân thiện xứng đáng với công lao mà cha ông ta đã giành giữ, hy sinh./.
Bài viết: Minh Trang