ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

CHÙA HANG

Visits: 735

Chùa Hang là tên gọi dân gian của chùa Phước Điền. Phước là phước lành, điền là điền địa (ruộng đất). Phước Điền có thể hiểu đơn giản là mảnh đất gieo trồng phước lành, là nơi đại diện cho sự thiện lương và thanh tịnh để khách thập phương tìm về.

Chùa Hang là một trong những di tích của Núi Sam được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 1980. Mặc dù nằm riêng lẻ trên triền núi về phía Tây Bắc, trên tuyến đường Núi Sam – Nhà Bàng (Tịnh Biên), cách cụm di tích Chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu khoảng 1km nhưng lại rất nổi tiếng với lối kiến trúc đẹp mắt, tao nhã hòa mình với vẻ đẹp tự nhiên của núi non cùng với không gian yên tĩnh, không khí trong lành tạo cho khách thập phương một cảm giác an yên, thanh tịnh khi đến đây.

Chùa Hang không chỉ thu hút với vẻ đẹp nên thơ của cảnh quan nơi đây mà còn nổi tiếng với công đức và đạo hạnh của vị ni sư đầu tiên của Phật giáo Nam Bộ. Năm 1845, có vị nữ tu Phật giáo thuộc dòng thiền Vân Môn, từ Chợ Lớn, Gia Định thân lâm đến Núi Sam ẩn tu trong hang đá với ba y (ba chiếc áo), một bình bát, sáng chiều rau trái lót dạ, hang đá che gió sương. Vị ni sư ấy chính là Ni sư Thích Nữ Diệu Thiện (1818 – 1899) được các thiện nam tín nữ gọi là Sư Bà Thợ chùa Hang. Trong thời gian ẩn tu tại đây, Sư Bà đã cảm hóa và thuyết Tam Quy y cho đôi rắn Thanh xà, Bạch xà, đôi rắn nghe rồi vẫy đuôi bò đi, không lâu sau đôi rắn ấy trở lại và gần gũi với Sư Bà.

Sau khi Sư Bà viên tịch, để đáp lời thỉnh nguyện của Phật tử, Hòa thượng Thích Huệ Thiện, pháp húy Hồng Chí (1902 – 1986) đã đến tiếp nhận Chùa Hang. Sau khi tiếp nhận nơi đây Hòa thượng đã cho khởi công trùng tu Bửu Điện, xây dựng hậu đường, giảng đường,….đền năm 1926 – 1932 hoàn thành xét thấy chùa chưa có tên Hòa thượng đã đặt hiệu chùa Phước Điền (  福田寺) (Chùa Hang là tên dân gian)

Thể theo di nguyện của Hòa Thượng Thích Huệ Thiện, Hòa Thượng Thích Thiện Chơn, pháp húy Nhật Năm (1932 – 1998), là đệ tử của tổ Hồng Chí tiếp nhận trách nhiệm trụ trì chùa Phước Điền. Cuộc đời của Ngài là một tấm gương sáng về giới hạnh, còn là người huynh trưởng của tông môn chùa Phước Điền đặc biệt Ngài rất được sự mến mộ, cảm tình của người dân địa phương.

Đến năm 1998, Hòa Thượng Thích Thiện Tài, pháp húy Nhật Không đã đảm nhiệm chức trụ trì chùa Phước Điền, tiếp tục hoằng dương chánh pháp. Hòa Thượng đã cho đại trùng tu kiến tạo Thiền Đường, Giảng Đường, Tạng Kinh Các, Đại Hùng Bảo Điện…tạo nên diện mạo ngày nay của chùa Hang, một tổng thể hài hòa, thanh thoát, uy nghi, cổ kính và độc đáo với 44 hạng mục tham quan và chiêm bái.

Từ cổng chùa, du khách sẽ đi qua các bậc thang được xây dựng từ dưới chân núi, chùa Hang dần hiện ra trước mắt với thế “lưng tựa vào triền Núi Sam, mặt nhìn ra cánh đồng lúa bao la” đẹp như một bức tranh thủy mặc. Để cho việc tham quan tiện lợi, chùa Hang có bố trí sơ đồ hướng dẫn cho du khách tiện lợi trong việc tham quan. Lên thêm vài bậc thang là điện Di Lặc Bồ Tát, trước điện là hồ hoa súng và những khóm hoa khác điểm tô, bên phải điện Di Lặc Bồ Tát là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cùng với bốn vị hộ pháp tạo nên một khung cảnh nên thơ, màu sắc rực rỡ, tươi mát nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, tao nhã. Điểm đặc biệt trong khuôn viên này là ngôi bảo tháp của Sư Bà ở phía trên và 2 ngôi bảo tháp của hai Hòa Thượng trụ trì tiếp theo ở phía dưới. Các bảo tháp này màu sắc hài hòa, mang đậm nét cổ kính được chạm khắc công phu đứng uy nghi trên sườn núi.

Khi bước lên bậc thang cuối cùng du khách sẽ thấy ngay điện Hậu Tổ, nơi thờ Sư Bà, hai vị Hòa Thượng trụ trì và các vị sư khác. Vào đến Đại Hùng Bửu Điện, khung cảnh nơi đây rất trang nghiêm, thanh tịnh với tượng Phật Thích Ca gương mặt phúc hậu và nhiều tượng Phật nhỏ khác tạo cảm giác yên bình. Đứng trước chánh điện du khách có thể vừa hít thở không khí trong lành vừa có thể ngắm bình minh, hoàng hôn hay ngắm nhìn khung cảnh đồng lúa bao la, bát ngát, trãi lòng mình theo tiếng chuông chùa ngân nga bên tai giúp du khách có thể quên đi những phiền muộn, mệt mỏi, bộn bề của cuộc sống.

Đúng như tên gọi là chùa Hang, nơi đây nổi tiếng với hang tự nhiên còn được gọi là hang Thanh xà, Bạch xà nơi Sư Bà ở ẩn tu và cảm hóa quy y cho đôi rắn. Ngày nay, hang này đã được lấp lại chỉ còn khoảng 10m, ngay cửa ra vào có hai bức tượng Thanh xà, Bạch xà lớn đôi mắt sáng quắc được thắp bằng đèn làm cho không gian đậm màu tâm linh và huyền bí, bên trong thờ Tây Phương Tam Thánh.

Bên cạnh là hang Tinh Tấn, theo mỗi bước chân là ánh sáng nhẹ nhàng dẫn đường bởi hệ thống đèn cảm ứng cùng không khí mát lạnh từ các vách đá, tạo nên cảm giác hư ảo, huyền bí mà thoải mái dễ chịu. Trong hang này, du khách sẽ được tham quan các điện như: điện Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm, điện Tây Phương Tam Thánh, đường Hang Dũng Mãnh, điện Chuẩn Đề Bồ Tát, Cam Lộ Quán Âm…

Ngoài vẻ đẹp tổng thể, chùa Hang còn có những góc an nhiên trầm lặng như: Hồ Quán Âm 3 mặt, Linh Sơn điện, Di Đà Bửu điện, Tiểu Đình Thanh Lương, Sân Tiên, Gác chuông… nơi mà du khách có thể thiền định, trải lòng với nhau hay đơn giản là nơi để thân tâm an lạc, tái tạo được nguồn năng lượng tinh thần mới sau những vất vả, lo toan của cuộc sống.

Nếu có dịp đến Châu Đốc, du khách không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh chùa Hang để vừa được chiêm bái lễ Phật cầu nguyện cho gia đình được bình an vừa chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật độc đáo và tận hưởng không khí trong lành cùng những cảnh sắc thiên nhiên hữu tình giúp con người buông bỏ được những phiền muộn của cuộc sống./.

BỘ SƯU TẬP ẢNH VỀ CHÙA HANG

Nguồn: tổng hợp (Địa chí du lịch An Giang – Di tích lịch sử văn hóa chùa Phước Điền)

Tin bài: Minh Trang

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.