Visits: 129
(Hình ảnh con đường Tân Lộ Kiều Lương ngày nay)
Cách đây vài trăm năm, miền đất phương Nam là vùng đất với đặc trưng địa hình trũng, thấp, ngập nước, nơi đây từng phải đối mặt với các vấn đề sìn lầy, nhiễm phèn và mặn kinh niên. Khi ấy, khoa học kĩ thuật chưa phát triển, việc chinh phục và cải tạo khu vực này là một câu chuyện đầy khó khăn, thách thức. Nhưng ngày nay, vùng đất ấy đã trở thành một đô thị xinh đẹp, văn minh, nổi tiếng với biết bao địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Du khách khi đến tham quan có thể đi trên con đường Tân Lộ Kiều Lương (Tân Lộ – con đường mới, Kiều Lương – vận chuyển lương thực từ phương xa) được xây dựng hiện đại, rộng rãi, nối từ trung tâm thành phố Châu Đốc (An Giang) vào Khu du lịch quốc gia Núi Sam.
Trong thời gian trấn thủ Vĩnh Thanh, vị danh tướng Thoại Ngọc Hầu đã thực hiện 3 công trình vĩ đại trong công cuộc khai hoang, mở cõi vùng đất phương Nam. Ông tiến hành đắp thành Châu Đốc (1816) và đào kênh Vĩnh Tế (1819-1824). Năm 1826, ông tiếp tục cho đắp một con lộ từ Châu Đốc đến chân Núi Sam mang tên “Tân Lộ Kiều Lương” và hoàn thành một năm sau đó do gần 4.500 nhân công đào lắp, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mang ý nghĩa chiến lược quan trọng về cả mặt quốc phòng lẫn kinh tế.
(Hinh ảnh Tân Lộ Kiều Lương những năm 50 thế kỷ trước) Nguồn:internet
Năm 1828, ông cho dựng bia đá có khắc bài “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương ký” nhằm nói về việc làm đường cực khổ của người dân và lợi ích của con đường. Đoạn đường từ đình Châu phú đến chân Núi Sam có 4 cây cầu lót mỗi cầu có lót 4 tấm ván dài 6 tầm x 1,825 = 10,950 m, diện tích mỗi tấm ván là 5 thốn x 2,4m2 = 12m2.Vị trí 4 cây cầu là: cầu 1 ở đầu đường Cử Trị hiện nay, cầu 2 nằm ở ngả tư Trường Đua gần con lộ mới mở hiện nay. Cầu 3 là cầu cây số 2, cầu 4 là cầu cây số 4. Hai cầu 1 và 2 được phá để thông đường từ thời Pháp khoảng đầu thập kỷ 1920. Cầu cây số 2 và cây số 4 mới vừa lấp trong vài năm gần đây, những ghe xuồng của nông dân trên cánh đồng xung quanh Núi Sam sẽ cập bến tại đây để xe ngựa có thể qua lại dễ dàng. Tại những cây cầu này, người dân thu hoạch lúa từ cánh đồng Vĩnh Tế và khu Tứ Giác Long Xuyên có thể cập xuồng vào để vận chuyển lương thực. Sau khi ông mất bi ký cũng không còn, nhưng ta vẫn còn lưu giữ được một đoạn cuối bài ký này do một vị cao nhân nào đó chép lại và học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh đã dịch ra.
“Vầng dương mai in rõ bước chân
Bóng trăng tối lồng theo tận gót”.
(Trích Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương ký)
Vào năm 2008, với kinh phí của nhà nước và nhân dân đóng góp, đường từ Châu Đốc đến Núi Sam được mở rộng thêm từ nội ô thị xã đến vành đai quốc lộ 91 được nâng cấp và mở rộng hơn 10m. Đoạn còn lại được làm thành đường hai chiều, mỗi bên khoảng hơn 10m, giữa trồng cây xanh để cho khách tham quan có thể đi lại dễ dàng nhất là vào mùa lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Hiện nay con lộ này đã được nâng cấp có chiều ngang khoảng hơn 60m với 6 làn xe, mỗi chiều gồm 2 làn cho xe ô tô và một làn dành riêng cho xe gắn máy từ đoạn ngã tư trường đua đến chân Núi Sam và đặt tên là “Tân lộ Kiều Lương”. Hai cầu bằng bê tông cũng đã được san lấp để tiện việc đi lại. Hai bên đường hình thành những khu dân cư và các cơ sở phục vụ cho người dân như trường Dân Tộc nội trú và khu Liên Hợp Thể Thao của thành phố Châu Đốc.
(Hình ảnh con đường Tân Lộ Kiều Lương ngày nay)Nguồn:internet.
Ngày nay, con đường Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương vẫn còn đó mang một dấu ấn lớn lao của ông Thoại Ngọc Hầu trong công cuộc kiến thiết biên thùy năm xưa, mà còn gợi bao niềm thương nhớ, lòng tự hào biết ơn, dù cho cuộc thế xoay vần bao thế kỷ, ta vẫn tự hào đang có và sẽ mãi còn đó một Tân Lộ Kiều Lương chạy dài trong lòng mỗi người con An Giang được khắc họa đậm nét qua những câu ca dao như:
“Nước kinh Vĩnh Tế lờ đờ
Nhớ Ông Bảo hộ cặm cờ chiêu an”.
Hoặc là :
“Đi ngang qua cảnh núi Sam,
Thấy Lăng Ông lớn hai hàng lụy rơi
Ông ngồi vì nước vì đời
Hy sinh tài sản không rời nước non”.
(Trích nguồn: internet)
Hồng Hạnh