Visits: 3
Trong nghi thức cúng lễ của người Việt, rằm tháng 7 âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm. Rằm tháng 7 còn được gọi là ngày Tết Trung Nguơn, Lễ Vu Lan và Ngày Xá tội vong nhân.
Ngày Tết Trung Nguơn có nguồn gốc từ văn hóa Đạo giáo. Đạo giáo quan niệm rằng một năm chia làm ba tiết gọi là “Tam Nguyên” gồm “Thượng nguơn; Trung nguơn và Hạ nguơn”. Ba tiết nhật này là ba ngày quan trọng trong một năm của văn hóa Đạo giáo và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa Á Đông.
Lễ Vu Lan xuất phát từ điển tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Theo kinh Vu Lan Bồn, Lễ Vu Lan phát xuất từ thời Đức Phật; Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên – một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật.
Xá tội vong nhân là tục lệ có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian. Theo phong tục của một số nước Á Đông, tháng 7 âm lịch là tháng mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa. Vì thế để các linh hồn lang bạt, không quấy nhiễu cuộc sống dương gian người ta thường dâng cúng lễ vật vào ngày rằm tháng 7 để cầu mong sự bình yên.
Như vậy, có thể thấy có nhiều nguồn gốc của ngày rằm tháng 7 khác nhau: Tết Trung Nguơn có nguồn gốc từ Đạo giáo, Lễ Vu lan có nguồn gốc từ Phật giáo, còn ngày Xá tội vong nhân lại mang màu sắc dân gian nhưng có cùng một ý nghĩa là đều lấy ngày rằm tháng bảy để thiết tế chay đàn, phóng sinh, bố thí và hướng về các điều phước thiện, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với các bậc sinh thành, đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí. Đây chính là sự thể hiện tính nhân văn của con người Việt Nam, luôn hướng về tổ tiên, uống nước nhớ nguồn và báo hiếu đấng sinh thành.
Cũng như bao địa phương khác, trong những ngày tháng 7 âm lịch này, khi du khách đến Khu du lịch quốc gia Núi Sam có thể tham dự các lễ cúng tại các chùa nhân ngày lễ Vu lan báo hiếu. Các chùa sẽ tổ chức các ngày lễ cúng tuần tự khác nhau để người dân địa phương cũng như du khách có thể tham dự lễ cúng ở nhiều chùa khác nhau. Một trong những hoạt động ý nghĩa trong mùa lễ Vu Lan đó chính là lễ cài hoa hồng và thắp đèn hoa đăng. Năm nay, các ngôi chùa lớn ở Núi Sam như là chùa Long Sơn, chùa Huỳnh Đạo, chùa Phước Điền (Chùa Hang)… sẽ tổ chức thắp đèn hoa đăng. Đây là một nét đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cơ hội để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, họ hàng và tình đoàn kết giữa mọi người với nhau.
Ngày nay, các ngày Tết Trung Nguơn, Lễ Vu Lan, ngày Xá tội vong nhân vào ngày rằm tháng 7 đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam. Đồng thời Đại lễ Vu Lan đã được hiểu với ý nghĩa rộng hơn: Kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa, khuyến khích con người tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; tri ân thầy cô giáo; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người
Dù cách làm, phong tục mỗi nơi, mỗi dân tộc khác nhau nhưng đều thể hiện nét văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn của người Việt Nam vì vậy cần phải được gìn giữ, bảo tồn và phát triển./.
Nguồn tổng hợp: Minh Trang
Ảnh: St
Các thiện nam tín nữ tham dự đại lễ
Lễ cài hoa hồng
Các bé tham dự lễ thắp đèn hoa đăng