ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH

Visits: 9

Danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh (Ảnh: sưu tầm)

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại Huế (có tài liệu ghi là Quảng Bình, nhưng Quảng Bình là quê quán, ông sinh ra khi cha đang làm quan ở Huế), là con thứ ba của Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, một dòng họ làm quan từ nhiều đời, tiên tổ là ức Trai Nguyễn Trãi, khởi tổ là Định Quốc Công Nguyễn Bặc của triều đại nhà Đinh. Ông còn có tên là Nguyễn Hữu Kính, Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Hữu Thành và nhiều tên khác được ghép vào tước được phong như Lễ Công, Lễ Thành Hầu, Lễ Tài Hầu, Thượng Đẳng Lễ, Chưởng Binh Lễ… Từ nhỏ ông được rèn luyện văn võ, theo cha trấn đóng tại Qảng Bình và lập nhiều công lớn.

Ông lập nhiều công lớn trong việc dẹp giặc quấy nhiễu đem lại cuộc sống yên bình cho muôn dân, giúp dân ổn định, bảo vệ và phát triển cuộc sống nên rất được dân chúng mang ơn và kính trọng.

Ông lâm bệnh và mất ngày mùng 5 tháng 5 năm Canh Thìn (1700) tại Cồn Cây Sao (cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới ngày nay), nhưng tướng sĩ đi theo ông sợ giặc biết tin, nên mấy ngày sau, về tới Rạch Gầm mới công bố ông qua đời. Sau khi ông mất, được sắc phong của triều vua Gia Long (năm 1810), Minh Mạng (năm 1831), Tự Đức (năm 1852) với các danh vị: Đô thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Hiệp tán công thần, Lễ thành hầu, Vĩnh an hầu…. Ông còn được người dân ở những nơi ông từng đi qua xây dựng nhiều đền, đình thờ ông như vùng biên thùy Châu Đốc, Chợ Mới (An Giang), Sài Gòn, Biên Hòa (Đồng Nai). Người Chân Lạp cũng xây đền thờ tưởng niệm ông ở Nam Vang.

Nguyễn Hữu Cảnh ngoài công trạng giúp lưu dân mở mang sản suất, thiết lập bộ máy và ra sức chống giặc ngoại xâm, đánh dẹp bọn thổ phỉ để mọi nhà yên ổn làm ăn, ông còn về quê vận động dân xứ mình và các vùng lân cận đến chốn biên thùy màu mỡ này phát hoang trồng trọt, hình thành thêm làng xã, xóm ấp. Khi gia đình Nguyễn Hữu Cảnh mới từ Thanh Hóa di cư vào Quảng Bình đã cùng lưu dân khai khẩn hai huyện Khang Lộc và Lệ Thủy, có chung một cánh đồng long chảo, sau trở thành trù phú, nhưng bây giờ vẫn phải đứng sau vùng đất Nam bộ cò bay thẳng cánh. Vì vậy, dân miền Đông và miền Tây Nam Bộ rất nhiều người gốc ngũ Quảng.

Ngôi đình chính thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Châu Đốc hiện nay là di tích xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1988, tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Thoại thuộc phường Châu Phú A, ngay trung tâm thành phố nên có tên là đình Châu Phú (trước 1975 nơi đây là xã Châu Phú).

Đình Châu Phú (Ảnh: BQL Khu du lịch quốc gia Núi Sam)
Bệ thờ Nguyễn Hữu Cảnh – Thượng đẳng thần, Thoại Ngọc Hầu – Trung đẳng thần và thần Chánh phó Vệ Thuỷ

Hằng năm, đình Châu Phú tổ chức lễ kỳ yên cũng là lễ giỗ Nguyễn Hữu Cảnh vào ngày 10 và 11 tháng 5 âm lịch. Sự kiện này nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng biết ơn tưởng nhớ công lao to lớn của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh trong việc khai hoang lập ấp ở miền Nam Tổ quốc, qua đó giáo dục truyền thống tốt đẹp “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam ta.

Nguồn: Danh nhân Châu Đốc – Trịnh Bửu Hoài;

Địa chí du lịch An Giang – Trịnh Bửu Hoài

Bài: Trúc Đào

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.