Visits: 54
Về nguồn gốc, người Việt tiếp thu tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam và tư duy truyền thống tin ngưỡng nông nghiệp. Xuất phát từ cội nguồn nền văn minh nông nghiệp lúa nước, người Việt cổ ở lưu vực Sông Hồng quan niệm rằng đất, nước, lúa… Thờ Bà Chúa Xứ là tín ngưỡng dân gian của người Việt đã có từ lâu đời, là một biểu hiện cụ thể của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung. Bà Chúa Xứ là hiện sinh của vị Mẫu thần, biểu hiện to lớn về khát vọng tìm kiếm sự che chở, bảo bọc cho cuộc sống bình yên của người dân địa phương. Như vậy, Bà Chúa Xứ Núi Sam, không ngoài góc nhìn của người dân Nam bộ về người mẹ của vùng đất Châu Đốc, là người mang lại cho người dân nơi đây sức khỏe, tài lộc và bình an. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là sáng tạo văn hóa của cộng đồng, là di sản đã, đang được trao truyền, thực hành từ đời này qua đời khác, phản ánh những khát vọng và lòng thành kính đối với người mẹ xứ sở của người dân Châu Đốc nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Ảnh: Phương Ngoan
- Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ Nam bộ:
Xuất phát từ truyền thuyết dân gian về nữ thần: Trước khi Việt Nam hình thành nên các dạng thức thờ mẫu thì các nữ thần vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và có những biểu hiện đa dạng: Sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ (Chi tiết người con cả nằm trong số 50 người theo mẹ lên núi); Truyền thuyết về An Dương Vương: (khi Mỵ Châu qua đời, thân hình hóa thành tảng đá cụt đầu được thờ ở đền Cổ Loa, trở thành một vị nữ thần). Vượt qua giai đoạn nguyên thủy lúc người Việt còn thờ các lực lượng tự nhiên cho đến giai đoạn thờ thần linh nhân dạng thì ngay từ đầu đã ra đời một đối tượng thờ đáng quan tâm nhất là bà mẹ quyền năng.
So với ở Bắc Bộ tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn và hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân do Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước tạo nên một bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng. Ở miền Nam, có hai lễ hội Mẫu tiêu biểu, đó là lễ hội Bà Đen ở Tây Ninh và lễ hội Vía Bà (Bà Chúa Xứ ở An Giang). Khác với miền Bắc và miền Trung, lễ hội Vía Bà chỉ thờ độc nhất Bà Chúa Xứ (Thánh Mẫu) mà không có các Mẫu khác trong Tam phủ, Tứ phủ.
- Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam – Lễ hội mang tầm vóc quốc gia và vươn tầm quốc tế
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ diễn ra từ ngày 22 đến 27-4 (âm lịch) hàng năm, tại phường Núi Sam (TP. Châu Đốc). Trong tín ngưỡng của người Kinh, Bà Chúa Xứ nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam chứa đựng những dấu ấn lịch sử giai đoạn người Việt đến vùng đất An Giang. Đây là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu văn hóa, chính trị, kinh tế với người Hoa, Khmer, Chăm. Thông qua Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam góp phần gắn kết với đời sống tinh thần của người dân Châu Đốc, đồng thời giúp lưu giữ những giá trị lịch sử của cha ông trong hành trình khai mở vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc.
Các giai đoạn vươn tầm quốc tế: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là Lễ Hội cấp Quốc gia từ năm 2001; Đến năm 2015, Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Theo Công văn 1970/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc gửi Hồ sơ quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang trình UNESCO, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Tháng 5/2023 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có văn bản Số 1878/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về việc xem xét đăng ký hồ sơ ưu tiên của Việt Nam cho đợt xét duyệt năm 2024. Bộ VHTTDL đề cử Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lựa chọn ưu tiên trình UNESCO xem xét vào năm 2024.
- Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam:
Với giá trị và tầm quan trọng của Lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam. Trước mắt cần tiếp tục thực hiện các phần việc, lộ trình, quy trình, thủ tục, các tiêu chí theo quy định, nghiên cứu và làm rõ giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam phù hợp với các tiêu chí Công ước UNESCO 2003 để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Tiếp tục tăng cường công tác tu bổ tôn tạo di tích Miếu bà Chúa xứ Núi Sam và giá trị của Lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam. Lễ hội là tài sản tinh thần của địa phương. Trong vấn đề tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội là rất quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Để phát huy giá trị của Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam, song song với công tác tu bổ tôn tạo cần nghiên cứu các vấn đề pháp lý để bổ sung, ban hành các quy định trong quá trình thực hiện Lễ hội; Cần giữ nguyên các giá trị văn hóa, tinh thần của Lễ hội, chú trọng đến bản sắc văn hóa độc đáo. Các hoạt động nghệ thuật trong quá trình diễn ra Lễ hội phải có nội dung phù hợp, không lãng phí, gây phản cảm.
Công tác tuyên truyền cần được thực hiện mạnh mẽ, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế để tạo sự chuyển biến nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể các cấp về nội dung và ý nghĩa hoạt động Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam, tập trung tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như những quy định của pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức…Tổ chức rộng rãi các hoạt động du lịch, các hình thức du lịch. Trong đó chú trọng vào du lịch tâm linh. Gắn Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam với các di tích văn hóa, lịch sử lân cận. Kết nối với các tuyến, điểm du lịch lớn của tỉnh An Giang để tăng cường hoạt động quảng bá cho Lễ hội. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu về Lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam để đánh giá đúng giá trị của di sản văn hóa vật thể. Trên cơ sở đó ban hành các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch cho thành phố Châu Đốc.
Tin bài: Thanh Tùng