Visits: 33
Nằm bên dòng kinh Vĩnh Tế , thuộc xã Vĩnh Tế thành phố Châu Đốc, An Giang cách trung tâm thành phố khoảng hơn 10 km, chùa còn có tên gọi khác là chùa Bài Bài, Bà Bài hoặc chùa Ông Đạo Lập, chùa Bồng Lai được nhiều người biết đến bởi gắn liền với việc khai phá vùng đất Thất Sơn để thành lập trại ruộng của Thiền sư Đoàn Minh Huyên được người đời xưng tụng là Đức Phật Thầy Tây An, người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ngoài ra, nơi đây còn có di tích 1 trong 5 cây thẻ mà Đức Phật Thầy Tây An và Đức Cố Quản Trần Văn Thành đã cắm.
Cổng chùa Bồng Lai
Ngôi chùa cổ ven biên giới này được ghi nhận là di tích lịch sử cách mạng thời kỳ chống Mỹ của tỉnh An Giang. Đây là một trong những địa chỉ giao liên đầu mối quan trọng của Thị ủy Châu Đốc và là nơi ẩn quân của các đơn vị bộ đội chủ lực trước năm 1975.Vào ngày 27 tháng 10 năm 2006, Chùa Bồng Lai được công nhận là Di tích Lịch sử Cách mạng cấp tỉnh.
Di tích lịch sử cách mạng cấp Tỉnh
Để đến chùa Bồng Lai du khách có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau. Nếu đi bằng đường thủy thì có thể đi bằng tắc ráng hay tàu khách. Còn đi bằng đường bộ thì từ gần đình Vĩnh Tế thì rẻ phải qua tỉnh lộ 955A, sau đó đi khoảng gần 5 cây số là có thể thấy chùa Bồng Lai nằm chơi vơi phía bên kia bờ kinh. Hiện nay có một cầu treo bắc ngang kinh do một Việt Kiều sinh sống tại Mỹ là ông Huỳnh văn Lang hiến cúng, để khách hành hương dễ dàng đến cúng bái chứ không phải chờ xuồng đưa sang bên kia chùa như trước đây, nhất là trong những ngày Vía ông Đạo Lập có hàng chục ngàn tín đồ ở khắp nơi đến cúng viếng.
Người sáng lập:
Ngôi chùa Bồng Lai nhỏ xinh thu mình trên con kênh Vĩnh Tế, thu hút khách tham quan trong ngoài tỉnh không chỉ bởi sự bình yên, mộc mạc mà còn là nơi chứa đựng những huyền tích của kỳ nhân Đạo Lập. Những câu chuyện kể về cuộc đời của con người thực hòa quyện nhiều yếu tố huyền ảo giờ đã trở thành huyền thoại vẫn cuốn hút người mộ đạo. Theo quyển “Khảo cứu lịch sử giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương” của ông Trần Văn Quế – nguyên giảng sư lịch sử Trường đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn khoa Sài Gòn (trước năm 1975) thì ông Đạo Lập là 1 trong 12 vị đại đệ tử của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên. 12 vị đại đệ tử này được tín đồ gọi là “Thập nhị hiền thủ”.
Ông Đạo Lập có tên khai sinh là Phạm Thái Chung, nguyên quán ở Cồn Tiên, làng Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang (ngày nay là xã Đa Phước). Là người lập nên chùa Bồng Lai nên dân địa phương gọi ông là Đạo Lập. Lúc sinh thời, Phật Thầy Tây An đặt pháp danh cho ông là Sùng Đức Võ Tiên Sinh và thường gọi ông là Đức tiên sinh. Hiện nay, trong bài vị thờ ông tại chùa Bồng Lai lại ghi là “Bồng Lai La Hồng Tiên Sinh”. Sau khi ông viên tịch, một số đệ tử âm thầm đưa ông về chôn cất tại cánh đồng xã Vĩnh Nguơn. Mộ của ông được khõa bằng như mộ Phật Thầy Tây An chứ không làm nấm nên đến nay người ta không tìm được dấu vết.
Hằng năm chùa tổ chức lễ giỗ Ông vào các ngày 29 – 30/9 âm lịch nhằm tưởng nhớ ông Đạo Lập, người đã có công khởi dựng chùa.
Lịch sử hình thành:
Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chùa Bồng Lai là trạm dừng chân của giao liên, bộ đội khi qua lại giữa hai biên giới nên là mục tiêu bắn phá của giặc. Đây cũng là nơi bố trí bộ chỉ huy của du kích xã Vĩnh Tế. Từ năm 1965 đến 1968, bom đạn pháo từ Châu Đốc làm cho chùa bị thiệt hại nặng nề, mái bị sập, tường đổ ngỗn ngang. Khoảng năm 1969, bà con bổn đạo mới dời chùa về núi Sam phía sau miếu Khổng Tử kế bên lăng ông Thoại Ngọc Hầu để thờ phụng.
Trong chiến tranh biên giới phía Tây Nam, một lần nữa chùa Bồng Lai trở thành bình địa trước sự cướp phá của quân giặc. Khi chiến tranh qua đi, chùa Bồng Lai được trùng tu lại để có nơi thờ phụng và giữ gìn di tích “Cây thẻ”. Hiện nay, chùa được tu sửa lại rộng rãi và trang nghiêm hơn, thu hút rất đông khách hành hương đến đây cúng viếng với lòng thành kính vô biên…
Di tích Ông Thẻ
Bài: Trúc Đào
Nguồn: Tài liệu tổng hợp