ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH QUỐC GIA NÚI SAM

Đạo Và Đời Của Vị Phật Sống  Ở Núi Sam – Đoàn Minh Huyên

Visits: 24

Đoàn Minh Huyên (1807-1856) quê làng Tòng Sơn, trấn Vĩnh Thanh. Nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, vẫn chưa có tài liệu nào ghi lại một cách rõ ràng về thân thế của ông. Vì sao ông được người dân gọi là Phật sống? Việc Đạo và việc Đời của ông ra sao mà được người đời tôn sùng và ca tụng như thế?

          * Vị giáo chủ – người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Bửu Sơn Kỳ Hương có nghĩa là ngọn núi báu có mùi hương lạ. Đây là  tôn giáo nội sinh đầu tiên ở Nam bộ, có giáo lý xuất phát từ văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Việt Nam. Đạo này dựa trên giáo lý Phật giáo làm gốc nhưng đơn giản hóa các nghi thức, chỉ thờ một tấm Trần Điều (tấm vải đỏ) trước chánh điện, thể hiện tấm lòng từ bi, bác ái, đoàn kết, yêu mến đồng bào, nhân loại. Tín đồ theo đạo sẽ được cấp một lòng phái bằng giấy trên đóng ấn triện có bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”, tín đồ không cần cạo tóc, không cần li gia cắt ái, không ăn chay, không chuông mõ, không thờ phụng cốt tượng Phật…chủ yếu là tu tại gia, vẫn thành gia lập thất, lao động sản xuất bình thường. Tôn chỉ của đạo là “học Phật – tu nhân” và báo đáp “Tứ đại trọng ân”. Học Phật chủ yếu là học theo “Giới, Định, Tuệ” và noi theo gương đức Phật, theo tấm lòng từ bi của Phật. Còn Tu nhân là tu tâm dưỡng tánh, không làm những việc xấu, siêng làm những điều thiện, tự sửa tâm tính, làm lành lánh dữ. Người theo đạo cần phải thực hành theo “Tứ đại trọng ân”: ân tổ tiên-cha mẹ; ân đất nước; ân tam bảo; ân đồng bào- nhân loại.

Đạo này ra đời ngay thời điểm tình hình xã hội còn nhiều rối ren, nạn đói hoành hành, mùa màng thất bát, dịch bệnh lan tràn, cuộc sống người dân đang lầm than, cơ cực. Cộng với phương pháp hành đạo rất đơn giản; giáo lý là những bài sấm, giảng dễ hiểu, gần gũi với người dân ít học, nghèo khó thời bấy giờ. Do đó tín đồ theo Đạo ngày càng đông, thấy vậy chính quyền thời đó đã nghi ngờ cho rằng ông là gian đạo sĩ tụ tập dân chúng để chống lại triều đình nên đã cho giam giữ ông để điều tra, thử thách. Sau thời gian điều tra, thấy không có lý do gì giam giữ ông nên đã trả tự do và để dễ bề kiểm soát, chính quyền đã chỉ định ông về tu tại chùa Tây An ở Núi Sam – Châu Đốc với lý do giúp ông có nơi ổn định để tu hành.

Tại chùa Tây An, ông được thiền sư Hải Tịnh thu nhận và đặt pháp danh là Pháp Tạng. Tại đây, ông tiếp tục truyền bá giáo pháp, thu nhận tín đồ và mở rộng việc cấp lòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Với tài chữa bệnh, uy tín và nhân cách, đức độ của mình, ông được nhân dân quanh vùng tôn kính như một vị hoạt Phật (Phật sống) và được tôn xưng là Phật thầy Tây An.

Chùa Tây An ở Núi Sam

Cổng vào mộ Phật Thầy Tây An

Mộ Phật Thầy Tây An ở phía sau Chùa Tây An

* Ngoài ra ông còn làm nhiều việc để cứu người, giúp đời như là:

Năm 1849, ở Nam Kỳ xảy ra vụ mất mùa và đại dịch kéo dài đã làm nhân dân lâm vào cảnh khốn cùng và chết chóc. Trong hoàn cảnh ấy, Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn (nay thuộc huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) vào Trà Bư (xã Hội An, huyện Chợ Mới) đến Xẻo Môn (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) rồi dựng trại ở cốc ông Đạo Kiến (nay là làng Long Giang, huyện Chợ Mới) trổ tài trị bệnh cho dân. Phương thuốc trị bệnh của ông rất đơn giản chỉ bằng nước lã, hoa cỏ, nhang…và khuyên người dân nên ăn ở hiền lành. Song song với việc chữa bệnh, ông đã khuyên răn mọi người tu tâm dưỡng tánh và đã thu phục được lòng người. Từ đó ông đã thành lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Tây An Cổ Tự ở Chợ Mới ( Cốc ông Đạo Kiến ngày xưa)

Trong thời gian ở chùa Tây An, ông vẫn tiếp tục chữa bệnh cứu người, thu nhận nhiều đệ tử và đi chu du vùng Thất Sơn. Ngoài việc chữa bệnh, ông còn cho khai hoang lập trại ruộng. Cuối năm 1851, Phật thầy đã cử một số đệ tử chia thành bốn nhóm đi đến nhiều vùng đất xa xôi hẻo lánh để khẩn hoang thành lập “trại ruộng” như ở: dưới chân núi Két; vùng Láng Linh; vùng Đồng Tháp Mười; khu vực Cái Dầu. Sau này khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì các trại ruộng này trở thành các căn cứ địa kháng chiến dùng để dự trữ lương thực, vũ khí chống giặc. Đến lúc này thì mọi người mới thấy được tầm nhìn xa trông rộng của ông nên đã cho đệ tử chuẩn bị từ trước.

Ngoài thành lập trại ruộng, ông còn cho lập 2 làng Hưng Thới và Xuân Sơn (nay là xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên); xây dựng đình Thới Sơn và giao cho đại đệ tử Quản cơ Trần Văn Thành đi cắm 5 cây thẻ bằng gỗ lào táo đầu tiện búp sơn hình hoa sen, có khắc chữ nho. Ngày nay, các cây thẻ này đã bị hư mục nhiều nên được người dân xây mái che bảo vệ như một di tích và gọi một cách trang trọng là “ông thẻ”.

Nhìn lại cuộc đời của Đoàn Minh Huyên – Phật thầy Tây An, chúng ta thấy rằng ông là một thầy thuốc, một nhà tu hành đã sáng lập ra một tôn giáo bản địa và một người có công lớn trong việc vận động người dân khai hoang lập làng. Những việc làm của ông đến ngày nay vẫn còn giá trị như việc tín đồ theo đạo vẫn còn thực hiện những giới điều mà ông đã khuyên dạy; những trại ruộng ngày nay phát triển thành các cơ sở thờ tự và hàng năm ngày giỗ của ông được các tín đồ gần xa tập trung về để tưởng nhớ rất đông đúc và nhộn nhịp./.

Minh Trang

*Nguồn tham khảo: Sách Danh nhân Châu Đốc

CÁC TIN LIÊN QUAN
No posts found.