Visits: 14
Chủ tịch Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình nông dân khá giả tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, Tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Ngôi nhà thời niên thiếu của Bác nằm giữa cù lao Ông Hổ (TP. Long Xuyên, An Giang). Nhà được xây dựng vào năm 1887, trước khi Bác Tôn được sinh ra đời một năm. Ngôi nhà được xây theo kiểu nhà sàn Nam bộ ba gian, 2 chái bát dần. Tổng diện tích ngôi nhà là 156m2. Toàn bộ loại gỗ sử dụng trong nhà là gỗ thao lao, riêng bộ cột được làm bằng gỗ tràm. Mái lợp ngói đại ống.
Ngôi nhà đã hơn một trăm năm tuổi, vì thế đã trải qua nhiều lần trùng tu và sữa chữa như: năm 1932 em trai của Bác là Bác Tôn Đức Nhung đã cho sữa lại và lót thêm phần ván sàn phía trước vì trước kia là nền đất. Về sau đã trùng tu và sửa chữa như: cặp sắt vào các cột, sắp xếp lại phần mái ngối phía trên. Cặp các cột căm xe vuông vào cột tràm tạo sự vững chắc cho ngôi nhà và gia cố phần móng sàn và thay một số ván vách bên hông nhà. Và lần gần đây nhất nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, thì Trung ương, UBND tỉnh An Giang và Sở VHTTDL đã trung tu và gia cố lại như: thay một số cột bị hư, nâng cao phần sân nền phía trước, lót đá từ nhà sàn ra khu mộ chí cho gia đình và khách tham quan tiện việc viếng thăm. Tuy ngôi nhà đã trải qua nhiều lần trùng tu và sữa chữa nhưng ngôi nhà vẫn giữa được dáng vẽ nguyên gốc.
Ngôi nhà sàn thời niên thiếu của chủ tịch Tôn Đức Thắng
Hàng ba trước đây là nền đất nên có ba bộ ngựa, nhưng hiện nay chỉ còn một bộ ngựa gõ mà Bác Tôn thường hay nằm nghĩ ngơi khi có dịp về thăm nhà lúc Bác còn học ở Long xuyên về. Gần 70 năm hoạt động cho sự nghiệp cách mạng lớn lao của Đảng và Dân tộc, quê hương An Giang đã đón Bác về thăm quê chỉ có hai lần, đó là năm 1945 và năm 1975, nơi mà Bác cất tiếng khóc chào đời và sống đến năm 18 tuổi nhưng hai tiếng quê cha đất tổ luôn là nỗi niềm sâu lắng trong con người của Bác. Bởi vì lần thăm quê lần đầu vào năm 1945 Bác chỉ ở lại một đêm sau đó Bác lại đi, bằng giọng nói ấm tình của người con Nam Bộ Bác nói “Tôi đi biệt sang các nước Châu Âu, khi được về quê ta thấy bà con gia đình là mừng là sung sướng lắm rồi. Tôi phải đi ngay cùng anh em phái đoàn ra bắc để làm việc với cụ Hồ, việc nước đang gấp”. Thế rồi hôm sau Bác quỳ bên chân mẹ nói lời từ giã, tạm biệt xóm làng rồi Bác lại ra đi. Sau lần về thăm quê đó, 30 năm sau khi là chủ tịch nước Bác đã về đây thăm quê lần hai vào năm 1975 không ai ngờ được đó là lần cuối cùng Bác trở về thăm quê hương, trong không khí xúc động và ân tình vị chủ tịch nước nói: “Hôm nay tôi được Đảng và Nhà nước cho phép tôi về thăm quê nhà. Chưa bao giờ tôi sung sướng như lúc này, khi cả nước được độc lập, tự do, Bắc Nam thống nhất”. Khi Bác gặp lại Bác Tôn Đức Nhung, hai anh em gặp lại nhau vui mừng xúc động sau 30 năm dài xa cách. Dù xa nhà, xa quê nhưng vị Chủ tịch nước vẫn giữ nét chất phác của người miền quê. Bác hỏi: “Ủa, cây xoài đâu?”, “Tôi nhớ hồi tôi đi có 3 bụi tre và 3 cây sao mà”. Vừa hỏi Bác vừa bước lên căn nhà sàn gỗ, lợp ngói đơn sơ, vị chủ tịch nước thắp nén hương bàn thờ tổ tiên, rồi ngồi trên bộ bàn ghế. hàng quyên tâm sự với gia đình và bà con hàng xóm bác hỏi về tình hình gia đình họ Tôn, tình hình ấp, xã. Nghe xong Bác vui vẻ mời mọi người ra chụp hình trước sân nhà làm kỷ niệm.
Theo kế hoạch chuyến đi về thăm nhà của Bác là 30 phút, trước tình cảm quyến luyến của bà con, nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng, Bác Tôn đã ân cần thăm hỏi, trò chuyện đến 45 phút, lúc đó mọi người cố níu người ở lại ít phút nữa nhưng Bác cảm ơn và nói: “Về thăm đủ mặt vậy là mừng quá rồi, xin phép còn đi việc nước!”. Bác đi nhưng tình cảm của vị chủ tịch nước vẫn còn nhớ mãi trong lòng bà con nhân dân quê nhà.
Cả cuộc đời của chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất, về đức tính khiêm tốn, giản dị. Ngôi nhà là nơi gắn liền với cuộc đời niên thiếu của Bác và là nơi hun đúc tinh thần yêu nước, hình thành nơi Bác tính trung thực, thẳng thắng, hào hiệp và độ lượng của người dân Nam Bộ. Bác là vị lãnh tụ kính mến của giai cấp công nhân Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực đã cống hiến gần trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cổng ngõ nơi nhà sàn chủ tịch Tôn Đức Thắng
Nên ngày 30/8/1984 Bộ Văn Hóa ra quyết định số 114/VHQĐ công nhận Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu chủ tịch Tôn Đức Thắng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Với những giá trị Lịch sử và Văn hóa đó thì ngày 10/05/2012 Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là di tích lịch sử quốc gia Đặc Biệt.
Nguồn: Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng
Ảnh: Sưu tầm